Theo báo Sankei, từ ngày 29 - 31/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã thực hiện mua lại trái phiếu Chính phủ với số lượng không giới hạn - một biện pháp bổ sung để kiềm chế sự gia tăng lãi suất.
Ngay sau quyết định này, trên thị trường trái phiếu Chính phủ Nhật Bản sáng 30/3, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tạm thời ở mức 0,225%, tức giảm 0,02% so với giá đóng cửa ngày hôm trước. Trong khi đó, trên thị trường ngoại hối, phong trào mua đồng USD với lãi suất cao và bán đồng Yen với lãi suất thấp ngày càng gia tăng.
Các chuyên gia cho rằng, nếu lãi suất dài hạn tiếp tục bị kìm hãm thì nguy cơ đồng Yen sẽ tiếp tục mất giá do chênh lệch lãi suất ngày càng lớn giữa Nhật Bản và các nước.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)
Hãng thông tấn JiJi cho biết, nếu cần thiết, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tiếp tục mua trái phiếu Chính phủ không giới hạn nhằm hạn chế sự gia tăng của lãi suất. Tuy nhiên, trong bối cảnh, lãi suất đang gia tăng ở châu Âu và Mỹ, chênh lệch lãi suất giữa các nước sẽ tiếp tục mở rộng, áp lực giảm giá của đồng Yen có thể tăng thêm.
Tỷ giá hối đoái của đồng Yen so với đồng USD tạm thời giảm xuống mức thấp 125 Yen vào ngày 28/3 - mức thấp nhất kể năm 2015.
Về việc kiềm hãm lãi suất dài hạn và đồng Yen yếu, báo Mainichi trích phát biểu của ông Shinichiro Kobayashi - nhà nghiên cứu cấp cao của Mitsubishi UFJ Research & Consulting cho biết, trong chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản việc hạn chế lãi suất sẽ được ưu tiên ngay cả khi đồng Yen mất giá và giá nhập khẩu tăng.
Ông Kobayashi cho rằng, những xu hướng này sẽ là gánh nặng đối với người dân và đi ngược lại các biện pháp chống lạm phát của Chính phủ.
Chính sách kiềm chế lãi suất dài hạn của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho thấy sự khác biệt ngày càng rõ ràng trong chính sách tiền tệ giữa nước này và các nước khác như Mỹ và châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!