Chính phủ Nhật Bản cảnh báo về đà tăng "quá nhanh" của đồng Yen

TTXVN-Thứ sáu, ngày 31/07/2020 22:08 GMT+7

Ảnh: Reuters.

VTV.vn - Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso ngày 31/7 mô tả sự tăng giá gần đây của đồng Yen là "quá nhanh".

Điều này báo hiệu mối lo ngại rằng một đồng nội tệ mạnh có thể gây thêm "đau đớn" cho nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu đã chìm trong suy thoái vì dịch COVID-19.

Đồng USD đã chạm mức thấp nhất trong 4 tháng rưỡi là 104,195 Yen đổi 1 USD vào ngày 31/7 khi các nhà đầu tư lo lắng rằng sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ có thể bị cản trở bởi làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai.

Theo Bộ trưởng Aso, đồng Yen trong một thời gian khá dài đã duy trì ổn định ở quanh mức 107 Yen đổi 1 USD dưới thời chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe. Ông Aso nói với các phóng viên sau cuộc họp Nội các rằng ông đang theo dõi chặt chẽ đồng Yen vì tính ổn định của động tiền này là rất quan trọng đối với Nhật Bản.

Ông Aso cũng nói rằng Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp để hỗ trợ nhu cầu trong nước thay vì nhu cầu quốc tế, giúp cải thiện tình hình thị trường việc làm và thu nhập hộ gia đình, qua đó giúp nền kinh tế có sự phục hồi khiêm tốn.

Chính phủ Nhật Bản cảnh báo về đà tăng quá nhanh của đồng Yen - Ảnh 1.

Nền kinh tế Nhật đang có sự phục hồi khiêm tốn. (Ảnh minh họa: Reuters).

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Aso cho biết xuất khẩu chiếm chưa đến 20% nền kinh tế Nhật Bản và loại trừ mọi tác động tức thời từ sự tăng giá của đồng Yen. Nhưng việc ông cảnh báo trước đà đi lên của đồng nội tệ càng cho thấy sự khó khăn trong việc thúc đẩy nhu cầu từ các thị trường bên ngoài của Chính phủ Nhật Bản.

Ông Kenji Okamura, Thứ trưởng tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế, nói với các phóng viên sau cuộc họp thường kỳ với các quan chức từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Cơ quan Dịch vụ Tài chính rằng Chính phủ và BoJ sẽ theo dõi sát sao các xu hướng kinh tế và thị trường cơ bản và xử lý các vấn đề khi cần thiết.

Chính phủ Nhật Bản ngày 30/7 đã thừa nhận rằng nền kinh tế đã đạt đỉnh vào tháng 10/2018 và sau đó rơi vào suy thoái. Điều này cho thấy Tokyo đã phải vật lộn rất lâu trước cả cuộc khủng hoảng COVID-19 gần đây.

Sự tăng giá của đồng Yen trong thời gian này cũng dẫn đến những đồn đoán về khả năng giới chức Nhật Bản sẽ có các biện pháp can thiệp. Lần gần nhất Tokyo can thiệp vào thị trường tiền tệ là năm 2011, khi nước này phải bán đồng Yen để ngăn đồng tiền mạnh lên và làm tổn thương nền kinh tế đang phải đối mặt với thiệt hại từ những trận động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân trước đó hồi đầu năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước