Đây là tình trạng xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số ít hơn nhập khẩu. Chính vì vậy, Nhật Bản đang gióng lên hồi chuông cảnh báo khi sức cạnh tranh kỹ thuật số suy yếu và dòng tài sản ồ ạt chảy vào túi các công ty nước ngoài.
Trong ấn bản tài khoá 2024 của "Chương trình Chính sách ưu tiên hiện thực hóa Xã hội Kỹ thuật số", tình trạng "thâm hụt kỹ thuật số" của Nhật Bản lần đầu tiên được đề cập tới. Dữ liệu cán cân thanh toán từ Ngân hàng Nhật Bản ghi nhận mức thâm hụt đối với các dịch vụ liên quan đến kỹ thuật số đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2015 lên 5,35 nghìn tỷ Yen (33,7 tỷ USD) vào năm ngoái. Đây là một yếu tố khiến cán cân thanh toán dịch vụ tổng thể của nước này mất cân bằng, ngay cả khi ngành du lịch đã phục hồi.
Tuần trước, Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số Taro Kono thừa nhận rằng ngành công nghiệp Công nghệ thông tin và kỹ thuật số của Nhật Bản vẫn còn một chặng đường dài để trở nên cạnh tranh hơn. Các hệ thống cũ đang cản trở nhiều công ty tiến hành số hóa và Nhật Bản phải đối mặt với cái gọi là "bờ vực kỹ thuật số 2025" - thời điểm những nhân sự có kinh nghiệm và kiến thức vận hành các hệ thống cũ hết tuổi lao động. Bộ Công nghiệp nước này ước tính, nền kinh tế có thể thiệt hại lên tới 12.000 tỷ Yen mỗi năm khi nguy cơ phát sinh lỗi trong các hệ thống.
Thâm hụt thương mại kỹ thuật số ảnh hưởng đến nền kinh tế Nhật Bản?
Thâm hụt thương mại kỹ thuật số ngày càng mở rộng do phí cấp phép phần mềm, lưu trữ đám mây và quảng cáo trực tuyến ngày càng tăng. Điều này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho sức cạnh tranh trong lĩnh vực kỹ thuật số của Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu về các dịch vụ kỹ thuật số ngày càng gia tăng với việc áp dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo AI.
Các chuyên gia cảnh báo, Nhật Bản đang phụ thuộc phần lớn vào dịch vụ được cung cấp bởi các gã công nghệ lớn như Google, Microsoft, Meta và đương nhiên, dòng tiền cũng chảy vào túi các tập đoàn đa quốc gia này.
Các công ty Nhật Bản đang tụt lại đáng kể ở phía sau, việc nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như việc giảm sự phụ thuộc vào các dịch vụ kỹ thuật số do các tập đoàn quốc tế cung cấp là điều không hề dễ dàng.
Biện pháp để giảm thiểu thâm hụt thương mại kỹ thuật số
Chính phủ Nhật Bản đang cảnh giác đối với vấn đề thâm hụt thương mại kỹ thuật số, trong kế hoạch mới Chính phủ Nhật Bản kêu gọi thay thế các hệ thống cũ kỹ và đào tạo nhân tài để bắt kịp xu thế phát triển và đảm bảo an ninh kinh tế.
Để đặt nền móng cho việc xây dựng ngành công nghiệp kỹ thuật số, Tokyo lên kế hoạch kêu gọi thiết lập khuôn khổ để thúc đẩy tích hợp dữ liệu cũng như đào tạo nguồn nhân lực cần thiết, mục tiêu có 50.000 chuyên gia bảo mật thông tin được chứng nhận cấp quốc gia vào năm tài chính 2030, tăng từ khoảng 20.000 của tháng 4/2023.
Chính sách của Nhật Bản cũng thúc giục thành lập một nhóm liên ngành trước tháng 6 năm 2025 để hợp tác giải quyết các thách thức trong lĩnh vực kỹ thuật, trong đó, chính phủ sẽ thúc đẩy việc sử dụng công nghệ đám mây, vốn có chi phí tương đối phải chăng và dễ dàng thích ứng với những thay đổi của môi trường kinh doanh.
Nhật Bản từng là quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển hàng đầu trên thế giới với những tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quốc gia này đang tụt hậu so với nhiều quốc gia khác.
Mất cân đối kinh tế khi dòng tiền chảy ra nước ngoài, giảm năng lực cạnh tranh và tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước… là những hậu quả do thâm hụt thương mại kỹ thuật số. Do đó, rất cần sự chung tay giải quyết của cả chính phủ và doanh nghiệp. Việc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp kỹ thuật số trong nước là chìa khóa để thu hẹp thâm hụt thương mại kỹ thuật số, đồng thời gia tăng lợi thế cạnh tranh cho quốc gia trên thị trường quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!