Năng lực sản xuất chip của Nhật Bản
Theo đó, chỉ số Nikkei 225 đã phá vỡ mốc 42.000 điểm trước khi sụt giảm trong phiên cuối tuần. Trong suốt một năm qua, thị trường chứng khoán đã tăng mạnh với một phần lực đẩy từ các công ty sản xuất chất bán dẫn như Tokyo Electron và Advantest. Giá cổ phiếu của Tokyo Electron đã tăng 84,26% trong vòng một năm trở lại đây và giá cổ phiếu Advantest cũng ghi nhận mức tăng lên tới 31,7%.
Nhật Bản từng dẫn đầu thế giới trong ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn vào những thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, chiếm thị phần lớn trên toàn thế giới. Đỉnh điểm là vào năm 1988 các công ty Nhật Bản chiếm tới hơn một nửa sản lượng chip toàn cầu. Nhưng hiện nay, sức cạnh tranh của ngành này tại Nhật Bản đã đi xuống. Hiện nay các công ty Nhật Bản chỉ có thể sản xuất chip 40nm, trong khi các đối thủ Hàn Quốc và Đài Loan, Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm các con chip 2nm. Thị phần ngành chip của Nhật Bản cũng đã giảm xuống còn 3-6%.
Kể từ năm 2021, chính phủ Nhật Bản đã xác định việc hồi sinh ngành chip là ưu tiên hàng đầu. Và trong ba năm qua Nhật Bản đã thực hiện rất nhiều biện pháp nhằm khôi phục ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn.
Chiến lược sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản với hai trụ cột chính là hướng đến tái lập vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp chip và thu hút các nhà đầu tư sản xuất chip nước ngoài thông qua nhiều khoản trợ cấp hào phóng.
Trang Nippon dẫn số liệu cho thấy, Nhật Bản đã phân bổ 3.900 tỷ Yên (24,8 tỷ USD) trong giai đoạn 2021-2023 để củng cố năng lực sản xuất chất bán dẫn. Con số này tương đương 0,71% GDP, và cao hơn các quốc gia phát triển khác như Đức, Mỹ hay Pháp… và dự kiến sẽ tiếp tục tăng thời gian tới.
Liên doanh sản xuất chip bán dẫn Rapidus được Chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn với sự góp mặt của 8 tập đoàn hàng đầu nước này như Sony, Toyota nhằm nghiên cứu, phát triển các quy trình sản xuất chip cao cấp hiện nay và mục tiêu là sản xuất chip siêu nhỏ 2nm vào năm 2027.
Yếu tố con người đang được rất được Nhật Bản coi trọng, khi nước này chủ trương đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn trong nước và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đưa ra các biện pháp khác như hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và mở rộng đa dạng thị trường.
Nhật Bản từng dẫn đầu thế giới trong ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn vào những thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước
Sôi động ngành công nghiệp chip Nhật Bản
Rõ ràng đang có cuộc chạy đua nhằm khôi phục sức cạnh tranh của ngành chip tại Nhật Bản, lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt và có liên hệ mật thiết với các ngành công nghiệp đang nổi lên như trí tuệ nhân tạo AI và sản xuất xe điện. Những nỗ lực này đã giúp mang lại sức sống cho ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản.
Tập đoàn công nghệ Microsoft của Mỹ sẽ đầu tư 2,9 tỷ USD trong vòng 2 năm để mở rộng cơ sở hạ tầng cho đám mây và trí tuệ nhân tạo AI tại Nhật Bản thông qua hợp tác với nhà sản xuất chip bán dẫn nội địa. Đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất trong 46 năm qua của tập đoàn này tại châu Á.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết: "Trong lĩnh vực bán dẫn, Rapidus đang hợp tác với một công ty Mỹ để nghiên cứu và phát triển chip thế hệ tiếp theo. Và chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hợp tác như vậy giữa Nhật Bản và Mỹ. Nhật Bản hoan nghênh các khoản đầu tư từ Mỹ nhằm thúc đẩy sự hợp tác phát triển công nghệ quan trọng này".
Không chỉ tăng cường hợp tác với Mỹ, và Liên minh châu Âu EU cả về mặt tài chính lẫn giám sát chuỗi cung ứng và tạo điều kiện trao đổi nhân lực, chính bản thân Chính phủ Nhật Bản cũng liên tục tung ra các biện pháp hỗ trợ trực tiếp các công ty bán dẫn.
Tiến sỹ Lê Quang Đạm - Tổng Giám Đốc Marvell Technology Vietnam nêu ý kiến: "Nhật Bản hiện nay đang rất nỗ lực, có thể gọi là hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản. Ngành công nghiệp bán dẫn là một thị trường cực kỳ lớn, có thể đóng góp đến 1.000 tỷ cho đến năm 2030. Như vậy đây là một mục tiêu mà Nhật Bản muốn phát triển ngành kinh tế trở lại, đặc biệt ngành công nghiệp bán dẫn".
Theo Khảo sát thống kê doanh nghiệp của Bộ Tài chính Nhật Bản, vốn đầu tư vào thiết bị thông tin và truyền thông sản xuất chất bán dẫn và các sản phẩm liên quan khác đã tăng 30% trong 5 năm lên mức hơn 2.000 tỷ Yên (gần 12,5 tỷ USD) trong năm tài chính 2022, đạt tốc độ tăng trưởng ngang bằng với mức tăng 30% của ngành hóa chất.
Các công ty bán dẫn được dự báo sẽ tiếp tục thực hiện những khoản đầu tư lớn trong nước trong trung và dài hạn, trở thành động lực thúc đẩy đầu tư vốn vào ngành sản xuất.
Tiến sỹ Lê Quang Đạm - Tổng Giám Đốc Marvell Technology Vietnam chia sẻ thêm: "Sự nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản trong việc khôi phục lại nền công nghiệp bán dẫn rất mạnh mẽ, đặc biệt tôi nghĩ nó rất hiệu quả. Thứ hai, Nhật Bản có những chính sách rất đặc biệt để kêu gọi tất cả để xây dựng nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn. Như Nhật Bản đã phát triển thêm những ngành học về ngành công nghiệp bán dẫn. ở các trường đại học liên kết các trường đại học với nhau để tạo ra nguồn nhân lực không những người nghiên cứu, các kỹ sư thậm chí cả kỹ thuật viên để có thể làm việc trong các nhà máy".
Với khoản đầu tư quy mô lớn nhất trong lịch sử, khối lượng sản xuất chất bán dẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng và thị phần của họ sẽ phục hồi rõ rệt từ năm 2024 trở đi.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đặt mục tiêu tăng doanh số bán dẫn trong nước, bao gồm cả doanh số bán dẫn từ các công ty nước ngoài, lên hơn 15.000 tỷ Yên (gần 95 tỷ USD) vào năm 2030, gấp 3 lần năm 2020.
Theo phát biểu của Chủ tịch liên doanh sản xuất Chip Rapidus Tetsuro Higashi, dự án Rapidus mà chính phủ Nhật Bản đang đầu tư mạnh mẽ được xem là "cơ hội cuối cùng" để đưa lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn nước này trở lại bản đồ thế giới.
Ông Tetsuro cũng nhấn mạnh, mặc dù có sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính từ Chính phủ, nhưng "không hề xem nhẹ những thách thức trong thời gian sắp tới", khi toàn thế giới đang bước vào quá trình số hóa và cuộc cạnh tranh chip là cực kỳ khốc liệt, trong khi thực tế Nhật Bản đang bị tụt hậu so với các nước khác hơn trong hơn một thập kỷ qua.
Như vậy, mục tiêu trước mắt của Nhật Bản là xác lập vị trí vững chắc trến bản đồ chip toàn cầu, tiếp đến là bắt kịp các đối thủ như Đài Loan Trung Quốc hay Hàn Quốc. Chủ tịch của Rapidus cũng cảnh báo, để kịp các đối thủ cũng đòi hỏi khoản đầu tư khổng lồ.
Rõ ràng, Nhật Bản có tiềm lực tài chính và cả công nghệ để quay trở lại trường đua sản xuất chất bán dẫn. Đây sẽ là một diễn biến đáng chú ý của ngành công nghiệp chip thế giới trong những năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!