Năm nay ghi nhận sự bứt phá mạnh của ngành lúa gạo. Sản lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn, với kim ngạch đạt hơn 4,4 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục, cao nhất trong 34 năm trở lại đây và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo tính toán, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, mức tiêu thụ dự báo vượt mức sản xuất, có thể ở mức 525 triệu tấn. Lượng tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn.
Trong khi đó, một số quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines đều có nhu cầu tăng lượng nhập khẩu gạo. Vì vậy, đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Năm nay ghi nhận sự bứt phá mạnh của ngành lúa gạo. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Tiềm năng xuất khẩu gạo vào Indonesia
Hiện nay, Indonesia là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Về nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia trong năm 2024, ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia, cho biết theo thống kê của Indonesia, trong 5 năm qua, kể từ năm 2018, sản lượng gạo sản xuất bình quân của nước này tương đối ổn định quanh mức 31 triệu tấn/năm, trong khi mức tiêu dùng khoảng hơn 30 triệu tấn/năm. Đây tiếp tục là cơ hội cho gạo xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt khi thời tiết không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia sẽ rất lớn, như trường hợp năm 2023.
"Dự báo trong 6 tháng đầu năm 2024, Indonesia sẽ phải tiếp tục nhập khẩu gạo. Số lượng và thời điểm nhập khẩu sẽ do chính phủ Indonesia quyết định và thông báo căn cứ vào tình hình sản xuất trong nước, diễn biến thời tiết và thị trường nội địa. Trước mắt lượng gạo nhập khẩu còn lại trong năm 2023 chưa được thực hiện. Chính phủ xem xét gia hạn kéo dài thực hiện trong những tháng đầu năm 2024", ông Cường cho biết thêm.
Do vậy, theo ông Cường, các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm 2024 sang thị trường Indonesia.
Ngành hàng lúa gạo chuyển hướng đi mới
Để tận dụng được lợi thế xuất khẩu, trước hết, việc vận hành bền vững chuỗi sản xuất cần được ưu tiên. Xuất khẩu lúa gạo hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh cao, nguồn cung không ổn định và biến đổi khí hậu… Thực tế mới đòi hỏi ngành hàng quan trọng này cần có chiến lược xoay chuyển để hình thành một hướng đi mới bền vững và thịnh vượng hơn.
Cụ thể hóa đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh đang là việc trọng tâm của 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ nay đến 2030.
Những thay đổi trong sản xuất từ dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) thực hiện từ năm 2015 là một thuận lợi.
3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quy trình ngập khô xen kẽ, ứng dụng máy móc hiện đại… đã giúp người trồng lúa giảm 50% nước tưới, 40% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, 30% lượng giống và lợi nhuận tăng hơn 30%...
"Làm lúa chất lượng cao bán có giá, làm theo tiêu chuẩn nên nông dân ai cũng ủng hộ", ông Đinh Văn Cam, xã An Bình, Thoại Sơn, An Giang, cho biết.
Những xoay chuyển từ làm lúa truyền thống sang làm lúa hiện đại, giảm phát thải cũng là cơ sở để Việt Nam là quốc gia đầu tiên tham gia thị trường tín chỉ carbon từ trồng lúa. Ngân hàng Thế giới ước tính, vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon và thu về khoảng 100 triệu USD.
"Trong xu hướng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến những sản phẩm dán nhãn carbon thấp, gạo Việt Nam sẽ tạo được sự khác biệt. Bên cạnh đó, nếu ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất, từ đồng ruộng cho tới nhà máy chế biến, Việt Nam sẽ có một ngành hàng lúa gạo hiện đại và chuyên nghiệp hơn", ông Jen Vinther Jensen, Giám đốc điều hành FFT, đánh giá.
"Bộ đã đưa ra kế hoạch hành động cụ thể cho đề án này, một là huy động nguồn vốn, có sự chung tay của tất cả các thành phần tham gia đề án. Chúng tôi đã có chương trình hướng dẫn các địa phương tuyên truyền, quảng bá để người dân thấy lợi ích và cách làm mới từ chương trình 1 triệu ha lúa này khác với canh tác lúa truyền thống", ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin.
Ngay vụ lúa Đông Xuân này, ĐBSCL sẽ có khoảng 200.000 ha tham gia đề án. Hơn 3 tháng tới, Việt Nam sẽ tiếp tục có thêm nguồn cung gạo chất lượng cho thế giới. Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 sẽ là cơ hội để đưa ra thông điệp về một Việt Nam có trách nhiệm với nền lương thực, thực phẩm toàn cầu, một quốc gia có thể mạnh về lúa gạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!