Hội đồng tư vấn du lịch cũng đã đề xuất Chính phủ gói tín dụng lãi suất ưu đãi lên đến 150.000 tỷ đồng có bảo lãnh để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành du lịch. Theo tính toán, giá trị gói sẽ tương đương 1/4 doanh thu ngành du lịch đã góp cho kinh tế năm 2019.
Khi gói hỗ trợ tín dụng được Nhà nước bảo lãnh, ngân hàng cũng vơi đi nỗi lo nợ xấu. Trong khi đó, những chiếc "vòng kim cô" thẩm định khoản vay cũng sẽ không còn bị siết quá chặt, khi trung gian bảo lãnh là cơ quan nhà nước không chỉ chăm chăm vào bài toán lợi nhuận như ngân hàng, mà còn nhận thêm một nhiệm vụ khác là phải hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn chồng chất do COVID-19.
Hiện hình thức được các chuyên gia đang nhắc đến nhiều nhất là hình thức quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương. Một hình thức đã hoạt động ở nước ta hàng chục năm nay. Đây là các quỹ tài chính do UBND tỉnh thành lập, theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn.
Tính đến nay, cả nước có gần 30 quỹ bảo lãnh tín dụng, với tổng vốn điều lệ thực là khoảng trên 1.400 tỷ đồng, trong đó có đến hơn 1.300 tỷ đồng là vốn ngân sách. Tuy nhiên ghi nhận thực tế, hầu hết các quỹ bảo lãnh tín dụng đều đang hoạt động kém hiệu quả, tỷ lệ bảo lãnh chỉ chưa đến 5% tổng dư nợ tín dụng. Nguyên nhân là do hạn chế về nguồn vốn, quy mô của các quỹ còn nhỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!