Nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 22/03/2021 06:15 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay, mặc dù các doanh nghiệp nhà nước có nhiều lợi thế, thế nhưng lại hoạt động chưa hiệu quả.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và làm mất dần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp. Không những thế, nhiều dự án do các doanh nghiệp nhà nước đầu tư, còn tạo kẽ hở cho tham ô, tham nhũng.

Tình trạng chung hiện nay là các doanh nghiệp nhà nước, dù có nhiều lợi thế, nhưng khi tạo ra một giá trị sản phẩm nào đó lại đang phải sử dụng nhiều vốn hơn các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả kéo dài đã trở thành căn bệnh tồn tại ở không ít các doanh nghiệp nhà nước.

Cảng hàng không Vân Đồn, Quảng Ninh do tư nhân đầu tư. Sau 3 năm triển khai, toàn bộ dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động với công suất 2,5 triệu khách mỗi năm.

Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ chiếm một phần trong tổng thể cảng hàng không, nhưng từ phê duyệt chủ trương đến khi có thể khởi công, thuận lợi nhất cũng mất 15 tháng.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả - Ảnh 1.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua tỉnh Long An. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo các nhà phân tích, quy trình đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn còn quá phức tạp, nhiều quy định thậm chí còn chồng chéo.

"Đối với các doanh nghiệp nhà nước, chỉ riêng công tác chuẩn bị đầu tư đã mất hơn 2 năm, chưa kể công tác thực hiện đầu tư. Đây là một nguyên nhân có tính khách quan do thủ tục hành chính nhà nước nhưng cũng có tính chủ quan vì hệ thống hành chính này lại do nhà nước tạo ra", ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cho hay.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua Long An, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm đại diện chủ đầu tư. Tuyến đường dù chỉ dài 57 km, nhưng sau 6 năm khởi công vẫn dang dở do thiếu vốn.

"Năm 2016, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07 và 25, trong đó nêu không chuyển vốn vay lại thành vốn cấp phát. Đây chính là vướng mắc, khó khăn lớn nhất mà công ty phải đối mặt. Vì đến nay vẫn chưa thể tháo gỡ được nên việc bố trí nguồn vốn để đầu tư tiếp các dự án, đặc biệt như dự án cao tốc Bến Lức - Long thành đang phải dừng lại", ông Nguyễn Thế Cường, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, chia sẻ.

Theo các nhà phân tích, hiện hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng nguồn lực nắm giữ, đóng góp của khu vực doanh nghiệp này vào thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm dần từ 15,67% năm 2015, xuống còn khoảng 10,64% năm 2019. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn thấp, tốc độ tăng trưởng doanh thu lợi nhuận thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh. Nói cách khác, doanh nghiệp nhà nước cần sử dụng nhiều vốn hơn để tạo ra được giá trị sản phẩm đầu ra.

Nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp nhà nước

Củng cố và cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước đang là những yêu cầu hết sức cấp thiết. Bởi doanh nghiệp nhà nước không chỉ mang tính chất đầu tầu, dẫn dắt nền kinh tế, mà còn phải thích ứng được với xu hướng hội nhập quốc tế và cách mạnh công nghiệp 4.0

Nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả - Ảnh 2.

Chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn thấp. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Chính vì vậy, trong xây dựng Đề án Phát triển doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn tại Nghị quyết số 18 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hướng tới giảm bớt những lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước không cần tham gia; đồng thời tập trung vào các doanh nghiệp lớn, đặc biệt các tập đoàn kinh tế đa sở hữu với những cơ chế, chính sách riêng để phát triển trở thành doanh nghiệp đầu đàn, thực hiện vai trò dẫn dắt, đóng góp lớn cho nền kinh tế, trong đó cũng xem xét đổi mới đồng bộ cơ chế tuyển dụng và tiền lương cho người lao động.

Không chỉ vấn đề nhân sự, theo đại diện các doanh nghiệp, cần có những đổi mới toàn diện hơn về cơ chế để doanh nghiệp nhà nước nâng cao tính tự chủ trong điều hành, cũng như quản trị. 

"Thách thức và trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp nhà nước là rào cản về cơ chế chính sách. Ví dụ như cơ chế liên quan đến việc ra quyết định đầu tư, thoái vốn hay đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như chế độ đãi ngộ cho người lao động...", ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, nhận định.

Các doanh nghiệp cho rằng nên loại bỏ quan điểm gắn với doanh nghiệp nhà nước, cứ đầu tư thì phải có lãi, trong khi đó kinh doanh khó có thể lường trước được, hơn nữa nên hướng dần đến hậu kiểm hoạt động, đầu tư cho các doanh nghiệp thực sự hoạt động có hiệu quả. Điều này không chỉ tạo thêm lòng tin mà còn giúp doanh nghiệp không bị mất cơ hội đầu tư do sự kéo dài của thủ tục hành chính.  

Bên cạnh phát triển kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước cũng đảm nhận những nhiệm vụ về chính trị, xã hội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng nên tách dần nhiệm vụ chính trị, xã hội ra khỏi nhiệm vụ phát triển kinh tế để chúng ta có sự đánh giá chính xác hơn về hiệu quả hoạt động, cũng như tránh tạo thành thế độc quyền trong sản xuất kinh doanh ở nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Đề xuất 7 doanh nghiệp nhà nước 'tỷ USD' cho vai trò 'chim đầu đàn' Đề xuất 7 doanh nghiệp nhà nước "tỷ USD" cho vai trò "chim đầu đàn"

VTV.vn - Ngoài tổng tài sản sản trên 20 nghìn tỷ đồng, các tiêu chí chung khác của các doanh nghiệp này là chiếm thị phần từ 30% trở lên, bảo đảm các quy định về cạnh tranh...



* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước