Nhiều doanh nghiệp nước ngoài không muốn rời Trung Quốc

Ngọc Chí - Thế Tâm (PV Đài THVN thường trú tại Trung Quốc)-Thứ hai, ngày 28/09/2020 10:07 GMT+7

VTV.vn - Bất chấp dịch bệnh, rào cản thuế quan hay nỗi lo chuỗi cung ứng quá phụ thuộc, nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục đổ tiền đầu tư mạnh vào thị trường Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lâu năm không chỉ vẫn muốn bám trụ lại, thậm chí còn mở rộng đầu tư ở thị trường này, rất ít doanh nghiệp muốn rời đi.

Tháng 4 năm nay, dù dịch bệnh vẫn phức tạp, ExxonMobil, tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới của Mỹ, vẫn khởi công dự án tổ hợp hóa dầu tại Trung Quốc với số vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD.

Không chỉ Exxon, nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác vẫn tiếp tục đổ tiền đầu tư vào nền kinh tế có quy mô lớn thứ 2 thế giới.

Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, dòng vốn FDI đổ vào nước này trong 8 tháng đầu năm vẫn tăng 2,6%, đạt gần 90 tỷ USD, riêng tháng 8 tăng tới gần 20% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, dòng vốn FDI toàn cầu năm nay được dự báo sẽ sụt giảm tới 40%.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài không muốn rời Trung Quốc - Ảnh 1.

Dù dịch bệnh vẫn phức tạp, tháng 4 năm nay, Tập đoàn dầu khí ExxonMobil vẫn khởi công dự án tổ hợp hóa dầu tại Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

"Chúng ta đều biết, xu hướng nguồn vốn quốc tế là tìm nơi trú ẩn an toàn và lợi nhuận cao. Trung Quốc đã khống chế dịch bệnh tốt hơn các nơi khác, khôi phục sản xuất sớm hơn và tiếp tục cải cách mở cửa mạnh nên có sức hút lớn với các dòng vốn quốc tế", Giáo sư Lưu Anh, Viện nghiên cứu Trùng Dương, Trung Quốc, cho biết.

Nhiều doanh nghiệp làm ăn lâu năm cũng không muốn rời Trung Quốc. Khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải đối với 200 doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc được công bố gần đây cho thấy, 75% doanh nghiệp Mỹ muốn giữ nguyên hoặc tăng đầu tư vào Trung Quốc và 83% vẫn coi Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất trong chiến lược toàn cầu.

Một cuộc khảo sát khác cũng cho thấy, 89% doanh nghiệp châu Âu chưa nghĩ đến việc chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.

"Các công ty đa quốc gia đến Trung Quốc đầu tư vì ở đây có ưu thế về chi phí sản xuất, chuỗi ngành nghề và chuỗi cung ứng hoàn thiện, quy mô thị trường cũng như chính sách ưu đãi hấp dẫn. Nếu doanh nghiệp muốn chuyển đi nơi khác nhưng không có chuỗi cung ứng chuyển đi kèm xung quanh thì cũng không thể tồn tại được. Do đó, số doanh nghiệp chuyển khỏi Trung Quốc chỉ là trường hợp cá biệt", Giáo sư Lưu Anh cho biết thêm.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài không muốn rời Trung Quốc - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp làm ăn lâu năm không muốn rời Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Reuters)

Thời gian qua, Trung Quốc đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để không chỉ giữ chân các nhà đầu tư quốc tế cũ, mà còn thu hút thêm các nhà đầu tư mới.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chỉ số môi trường kinh doanh của Trung Quốc đã cải thiện 47 bậc chỉ trong 3 năm qua, từ vị trí 78 năm 2017 lên vị trí 31 trên toàn thế giới trong năm 2019.

Các nhà phân tích cho rằng, trong thời gian tới, một số doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp tục chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp các biệt, ít có khả năng tạo một làn sóng lớn. Các doanh nghiệp chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc chủ yếu tập trung trong lĩnh vực thâm dụng lao động, hàm lượng công nghệ thấp và hướng tới xuất khẩu.

Nhật hỗ trợ doanh nghiệp dời nhà máy từ Trung Quốc sang Ấn Độ Nhật hỗ trợ doanh nghiệp dời nhà máy từ Trung Quốc sang Ấn Độ

VTV.vn - Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể được nhận trợ cấp nếu chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ hoặc Bangladesh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước