150 tấn hương nhang tồn kho giá trị khoảng 2,5 tỷ chủ yếu xuất đi thị trường Ấn Độ. Và khoảng hơn 10 tỷ tiền nguyên vật liệu tồn kho không biết ngày nào mới được thông quan. Hơn 10 năm kinh doanh nghề này nhưng đây là lần đầu tiên doanh nghiệp của bà Lương Thị Nhâm rơi vào tình cảnh lao đao tiến thoái lưỡng nan như bây giờ.
Việc Ấn Độ áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu hương nhang đột ngột, có hiệu lực ngay tại thời điểm thông báo, không thông báo trước đã tạo ra những khó khăn nghiêm trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Phan Thành Luân (Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Liêm Thành), toàn bộ ngành hương nhang Việt Nam hiện nay đang rất hoang mang vì Ấn Độ hiện là thị trường xuất khẩu hương nhang chính và không có thị trường thay thế. Các sản phẩm xuất đi Ấn Độ cũng có đặc thù riêng nên không thể xuất đi các thị trường khác được. Cả nước hiện có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất hương nhang ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Theo đại diện Hiệp hội hương nhang Việt Nam, tính trung bình, mỗi tháng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 300 công hàng hương nhang sang thị trường Ấn Độ, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2018 - 2019 là gần 77 triệu USD.
Việc Ấn Độ đột ngột áp dụng quy định về cấp phép nhập khẩu hương nhang có hiệu lực ngay tức thời đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt cho người nông dân tại các làng nghề. Phóng viên Chu Bình đã có cuộc trao đổi nhanh qua điện thoại với ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ về câu chuyện này.
Cuộc phỏng Vấn đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Ông Phạm Sanh Châu
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!