Nhiều dự án của TP Hồ Chí Minh chuyển sang hình thức đầu tư công

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 23/06/2024 06:48 GMT+7

VTV.vn - Ngay từ đầu năm 2024, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã có ý kiến chỉ đạo về xử lý một số dự án giao thông đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bị đình trệ lâu nay.

Tại TP Hồ Chí Minh, trước vướng mắc quá lâu tại các dự án xây dựng - chuyển giao (BT) và Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), năm 2023, UBND Thành phố đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án này. Chủ tịch UBND Thành phố làm Tổ trưởng Tổ công tác để điều phối và trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc. Đến nay, một số dự án đã dần có lối ra.

Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh vừa được tái khởi động xây dựng mới vào cuối tháng 6. Trước đó, công trình được khởi công vào đầu năm 2018 với vốn đầu tư là 312 tỷ đồng theo hình thức BOT, dự kiến hoàn thành trong cuối năm 2018. Tuy nhiên khi xây dựng được 70% thì công trình đã tạm ngừng vì chưa hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng và không phù hợp với Nghị quyết 437 của Quốc hội là không làm dự án BOT trên đường hiện hữu.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết: "Cầu Tân Kỳ Tân Quý tuy tổng mức đầu tư không lớn nhưng có một ý nghĩa rất là đặc biệt. Đây có thể là một công trình đầu tiên của Thành phố chuyển đổi phương thức từ BOT sang đầu tư công. Thứ 2 đây là công trình giải quyết vị trí nút thắt giao thông rất lớn".

Ngay từ đầu năm 2024, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã có ý kiến chỉ đạo về xử lý một số dự án giao thông đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bị đình trệ lâu nay. Trong đó, dự án tiếp theo sau chuyển sang hình thức đầu tư công sau dự án xây dựng mới cầu Tân Kỳ Tân Quý là dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm với quy mô 6 làn xe. Nếu hoàn thành, dự án sẽ tăng khả năng lưu thông, giảm ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 13, giúp người dân thoát cảnh kẹt xe nghiêm trọng vào giờ cao điểm mỗi ngày.

"Những dự án BOT, BT hay PPP thì bản chất về phía Nhà nước cũng đầu tư ít nhất 50%, nguồn vốn từ ngân sách công. Do vậy việc chúng ta điều chuyển đúng thời điểm các dự án nó cho nó phù hợp với các thời điểm kinh tế hiện tại", TS. Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Nghiên cứu Tin học và Ứng dụng cho hay.

Theo số liệu thống kê của UBND TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn Thành phố có 13 dự án BT đã ký hợp đồng thực hiện. Tuy nhiên hầu hết dự án đều gặp vướng mắc dù đang thực hiện hay đã hoàn thành. Trước tình trạng này, lãnh đạo Thành phố đã yêu cầu đưa ra khỏi danh sách các dự án BT đối với một số dự án chưa triển khai hoặc đang thực hiện dang dở. Với những động thái quyết liệt từ chính quyền Thành phố, nhà đầu tư kỳ vọng những vướng mắc kéo dài hàng năm trời sẽ sớm được xử lý để hoàn thành dự án và đưa vào khai thác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước