Nhiều dư địa phát triển cảng biển

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 14/12/2024 21:17 GMT+7

VTV.vn - Hiện 90% số lượng hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam đi qua cảng biển. Dự báo tới 2030 sẽ có khoảng 100 triệu TEU hàng hóa vận chuyển qua khu vực Đông Nam Á.

Những con tàu lớn có trọng tải trên 18.000 TEU đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến vận tải biển quốc tế, đặc biệt là các tuyến xa đi Mỹ, châu Âu. Từ năm 2019 đến nay, số lượng tàu lớn ra vào các cảng biển nước sâu của Việt Nam tăng hơn 20%, đóng góp các loại phí tăng gần 700 tỷ đồng. Và thực tế tại các cảng biển nước sâu của Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Có thể tiếp nhận các tàu có tải trọng trên 200.000 tấn, hệ thống cầu cảng đáp ứng các tiêu chuẩn cảng xanh, cảng số hiện đại trên thế giới. Nhưng đến nay công suất khai thác của các cảng này mới chỉ chiếm 25 - 30% công suất thiết kế.

Ông Simon Farhat - Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Gemalink cho biết: "Thúc đẩy gia tăng lượng hàng hóa thì hơn hết là chúng ta phả định vị được các cảng trong khu vực Cái Mép để thuộc top các cảng biển có lợi thế nhất trên thị trường hàng hải".

Ông Phan Hoàng Vũ - Phó Tổng Giám đốc Cảng quốc tế SSIT cho hay: "Chúng tôi cũng chuẩn bị đầu tư thêm các trang thiết bị làm hàng hiện đại, mở rộng thêm bến bãi cũng như tuyển thêm nhân lực để chuẩn bị cho việc tăng trưởng trong năm 2025".

Đến nay, vận chuyển hàng hóa tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải tăng 30-35% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn với công suất có thể khai thác tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Cái Mép là 1 trong 2 cảng nước sâu tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại được phép khai thác các tàu trọng tải lớn trong khu vực và quốc tế. Với công suất thiết kế từ 1,5 - 2,2 triệu TEU/năm. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại mới chỉ khai thác trung bình được khoảng 1/4 công suất thiết kế. Tiềm năng và dư địa để phát triển cho các cảng biển nước sâu được đánh giá là còn rất lớn.

Hiện có tới 90% số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đi qua cảng biển. Dự báo tới 2030 sẽ có khoảng 100 triệu TEU hàng hóa vận chuyển qua khu vực Đông Nam Á, trong đó có khoảng 70 triệu TEU sẽ đi qua các cảng hiện hữu trong khu vực. 30 triệu TEU còn lại được cho là cơ hội cũng là miếng bánh rất lớn cho khu vực các cảng biển nước sâu của Việt Nam.

"Nếu như nước nào xây dựng được cảng sớm thì sẽ hứng được miếng bánh này, còn nếu chậm thì sẽ chuyển sang các chỗ khác. Đối với Việt Nam nếu chúng ta đẩy sớm được Cái Mép và Cần Giờ thì chúng ta sẽ hứng được lượng hàng đấy, còn không nó sẽ về Malaysia, Singapore", ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tư vấn thiết kế cảng, kỹ thuật biển PortCoast chia sẻ.

Các chuyên gia cũng đánh giá, hiện khu vực Cái Mép và Cần Giờ được xem như là cửa ngõ của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là cả Việt Nam. Và đây cũng sẽ là HUB chính phục vụ cho việc không chỉ thông quan các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mà còn hướng tới trung chuyển quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước