Phát huy nguồn lực đất đai
Ngay trong tuần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị 13 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Chỉ thị này được đưa ra sau một thời gian thị trường bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cùng đó, giá sản phẩm bất động sản, nhất là giá nhà ở khá cao so với thu nhập của người dân, cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, thiếu minh bạch...
Nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát các quy định của pháp luật để giải quyết các vấn đề trước mắt, cũng như lâu dài theo hướng xây dựng công cụ chính sách lành mạnh, phù hợp, hiệu quả để bảo đảm liên thông, an toàn, chắc chắn giữa các thị trường vốn với thị trường bất động sản, đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường bất động sản
Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã đưa ra Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để lấy ý kiến rộng rãi và ngay lập tức đây đã trở thành vấn đề nổi bật được nhiều người quan tâm. Dự thảo luật gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; Sửa đổi, bổ sung 152 điều; Bổ sung mới 37 điều và bãi bỏ 8 điều.
Ba điểm mới quan trọng nhất, tác động mạnh mẽ nhất đến người dân và doanh nghiệp trong dự luật đã được chỉ ra:
+ Thứ nhất, vấn đề liên quan đến quy hoạch
Nhà nước với tư cách là đại diện cho sở hữu toàn dân về đất đai và quản lý đất phải thông qua quy hoạch. Việc hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất để đáp ứng nhu cầu thực tế rất quan trọng. Cần phân bổ quản lý nguồn lực này một cách tiết kiệm, công bằng, minh bạch hài hòa giữa các lợi ích, các lĩnh vực kinh tế, giữa các địa phương.
+ Thứ hai, chuyển trọng tâm từ phương thức quản lý nặng về hành chính sang thực hiện đồng bộ các công cụ kinh tế, quy hoạch, hành chính để điều tiết quan hệ đất đai.
Việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá đất, đầu thầu dự án có sử dụng đất. Đặc biệt là có các cơ chế để doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ thuận lợi trong tiếp cận đất làm mặt bằng cho sản xuất kinh doanh.
+ Thứ ba, thúc đẩy cải cách hành chính
Trong sửa đổi lần này sẽ hướng tới chuyển đổi số, áp dụng thành tựu công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Đồng thời cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nhà nước phục vụ, mọi dịch vụ công, mọi thông tin đất đai có thể đến người dân ở mọi nơi, mọi lúc.
Người dân và doanh nghiệp đang mong chờ sẽ có những thay đổi đột phá từ Luật Đất đai được sửa đổi trong thời gian tới đây sẽ giúp thúc đẩy thị trường bất động sản. Ảnh minh họa.
Ngay khi dự thảo được công bố, có 2 vấn đề lớn được người dân quan tâm: Một là việc bỏ khung giá đất, sẽ dẫn tới giá thị trường như thế nào; Hai là, chính sách hỗ trợ cho người dân khi nằm trong khu vực bị thu hồi đất, để thực hiện các dự án.
Về đề xuất bỏ khung giá đất, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ quy định về khung giá đất sau 30 năm áp dụng. Từ đó, các địa phương sẽ ban hành bảng giá đất phù hợp với giá đất thị trường. Nhưng làm thế nào và có cơ sở nào để các địa phương có thể xác định được giá thị trường?
Để giải đáp câu hỏi trên, trong chương trình Landshow (Lăng kính nhà đất) mới đây, VTV Money đã mời đến trường quay Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Bộ trưởng đã có những giải thích rất rõ ràng, cụ thể về những thắc mắc này.
"Giá đất ở đây sẽ tăng hơn so với thời kỳ áp dụng khung giá đất nhưng không ảnh hưởng lớn đến giá đất liên quan đến các nhà đầu tư hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta có chính sách khu vực nhà ở xã hội, sinh viên, người lao động thì nhà nước không thu tiền nên việc bỏ khung giá đất hoàn toàn không ảnh hưởng đến bảng giá đất theo thị trường", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.
Dự án triển khai chậm do vướng giải phóng mặt bằng
Vấn đề thứ hai được đông đảo người dân quan tâm trong trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là chính sách hỗ trợ cho người dân khi nằm trong khu vực bị thu hồi đất để thực hiện các dự án bởi cuộc sống của nhiều người dân và cả các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề do nhiều dự án vướng ở khâu giải phóng mặt bằng, không thể triển khai trong nhiều năm. Phóng viên VTV đã có ghi nhận cụ thể về câu chuyện này tại TP Hồ Chí Minh.
Dự án cầu Nam Lý nằm tại TP Thủ Đức theo quy hoạch có tổng mức đầu tư 857 tỷ đồng được khởi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2018 nhưng đến nay tức sau 3 năm cây cầu vẫn chưa thể hoàn thiện dù đạt được 40% khối lượng. Nguyên nhân cây cầu vẫn chưa thể tiếp tục thi công là vì còn vướng ở khâu giải phóng mặt bằng.
Dù có thông báo di dời từ 5 năm trước nhưng đến nay gia đình bà Huyền - người dân TP Thủ Đức - vẫn chưa được tiến hành bồi thường. Nguyên nhân là do chưa thống nhất được giá đất bồi thường. Hiện công trình đã dừng thi công khiến hàng chục hộ dân nằm trong quy hoạch như gia đình bà Huyền bị ảnh hưởng.
"Đi cũng không được, ở cũng không xong, có những nhà xập xệ cũng không biết hướng đền bù ra sao. Nhà nước cho người dân tái định cư ở một nơi nào, ví dụ như nhà chị 50m2 thì tới phương trời mới cũng có số đất y như vậy và hỗ trợ thêm cho người dân một ít tiền để xây cất lên, cấp 4 cũng được", bà Huyền cho hay.
Dự án cầu Nam Lý nằm tại TP Thủ Đức.
Thực tế trên là tình trạng diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương khác. Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, điểm nghẽn giải phóng mặt bằng tại các dự án, trong đó có cả dự án đầu tư công, xuất phát phương án bồi thường chưa đồng thuận với người dân và thiếu nguồn vốn phát triển quỹ đất.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi thấy rằng dự thảo Luật Đất đai có một định hướng là sẽ phân bổ tối thiểu 10% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thu được trên địa bàn cho quỹ đất phát triển đất và quỹ đó sẽ cung ứng vốn cho trung tâm phát triển quỹ đất để đi bồi thường".
Trước vướng mắc về giải phóng mặt bằng, phía người dân và doanh nghiệp đếu đang mong chờ sẽ có những thay đổi đột phá từ Luật Đất đai được (sửa đổi) trong thời gian tới đây.
Giải đáp vấn đề này, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ quy định rõ điều kiện tiêu chí loại dự án nào thì nhà nước sẽ thu hồi. Phải đảm bảo như trong Nghị quyết 18 đã nhấn mạnh là sau khi bị thu hồi, người dân sẽ có điều kiện sống tốt hơn. Điều này được thực hiện thông qua việc trao đổi, thống nhất với người dân về phương án chuyển dịch ngay từ khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch.
"Việc đền bù, hỗ trợ tái định cư phải được đa số người dân thống nhất mới thực hiện việc thu hồi đất của người dân. Phải đảm bảo người dân được thừa hưởng và phân phối công bằng những nguồn lực của đất nước, trong đó có nguồn lực của đất đai. Trong từng bước thực hiện các dự án phải có trách nhiệm tính toán đánh giá các tác động và xác định chính sách an sinh, công ăn việc làm", Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được đưa lấy ý kiến Quốc hội vào tháng 10 và tiếp tục được bàn thảo trong các kỳ hợp tiếp theo. Nếu như các nội dung đạt được sự đồng thuận, đáp ứng yêu cầu, dự kiến, Quốc hội sẽ họp thông qua Luật Đất đai 2023 vào tháng 10 năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!