Nhiều mối nguy đe dọa tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á

Theo VOV-Thứ năm, ngày 08/07/2021 08:05 GMT+7

VTV.vn - Biến thể mới của virus SARS CoV-2 và chính sách tiền tệ của Mỹ là những nguy cơ lớn đối với tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á.

Hàng loạt các dự báo giảm tăng trưởng đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á trong những ngày qua. Theo các chuyên gia kinh tế, biến thể mới của virus SARS CoV-2 lây lan nhanh và tác động trong chính sách tiền tệ của Mỹ, là những nguy cơ lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế của các quốc gia khu vực này trong thời gian tới.

So với năm 2020, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á được dự đoán sẽ có một sự thay đổi tích cực trong tăng trưởng kinh tế, nhưng biến thể mới của virus SARS CoV-2 đang làm chệch quỹ đạo này. Kinh tế của Thái Lan trong năm 2021 được dự đoán ở mức 1,9%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát trước đó. Nhằm vực dậy nền kinh tế trọng điểm, Thái Lan vừa thực hiện chương trình "Hộp cát Phuket", mở cửa cho du khách nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ và được chứng nhận không mắc COVID-19.

"Việc mở cửa nền kinh tế cũng có nhiều nguy cơ, khi vẫn còn các ca lây nhiễm bất chấp việc chúng ta có sự phòng ngừa tốt. Tuy nhiên tôi nghĩ chúng ta cần tính đến nhu cầu kinh tế của người dân và đã đến lúc chúng ta phải đưa ra quyết định", Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan O Cha nhấn mạnh.

Nhiều mối nguy đe dọa tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á - Ảnh 1.

Sự lây lan biến thể mới của COVID-19 vẫn là yếu tố rủi ro cao nhất đối với nền kinh tế các nước Đông Nam Á. Ảnh minh họa: themalaysianreserve.

Tăng trưởng kinh tế Malaysia cũng bị điều chỉnh giảm 1,2 điểm phần trăm, xuống mức 4,1%, tụt thấp nhất trong số 5 quốc gia Đông Nam Á. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin vừa công bố gói viện trợ COVID-19 trị giá 36 tỷ USD để giúp hỗ trợ nền kinh tế. Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng của Philipines trong năm 2021 là 4,3%; giảm 0,9 điểm, trong khi tăng trưởng của Singapore lạc quan nhất, ở mức 6,9%; tăng 0,8 điểm phần trăm do nhu cầu hàng hóa phục hồi và gia tăng xuất khẩu.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, sự lây lan của COVID-19 và biến thể mới vẫn là yếu tố rủi ro cao nhất đối với nền kinh tế các nước Đông Nam Á. Tiêm chủng hiện là biện pháp duy nhất để thúc đẩy nền kinh tế các quốc gia tăng trưởng ổn định.

Ngoài yếu tố COVID-19, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng chính sách tiền tệ của Mỹ là một những rủi ro mà nền kinh tế các nước phải đối mặt trong 12 tháng tới. Khả năng FED giảm và tăng lãi suất sẽ tạo ra áp lực đối với tỷ giá đồng nội tệ. Lãi suất cao hơn có thể hạn chế sự phục hồi kinh tế.

Ông Jonathan Ostry, Phó Giám đốc, Vụ Châu Á Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, đối với các nền kinh tế định hướng xuất khẩu ở châu Á có mối liên kết chặt chẽ với Mỹ, chính sách tiền tệ sẽ tạo ra tác động lớn thông qua kênh thương mại.

"Lãi suất của Mỹ đang trên đà tăng và điều này đang lan sang các nền kinh tế thị trường mới nổi châu Á. Nếu lợi suất của Mỹ tăng nhanh, hoặc tác động chính sách tiền tệ của Mỹ trong thời gian tới có thể tạo ra những thách thức, ảnh hưởng đến khả năng ổn định tài chính vĩ mô", ông Jonathan Ostry cảnh báo.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên sau đại dịch vào năm 2023. Kỳ vọng lãi suất tăng ở Mỹ thường có khuynh hướng hút các dòng vốn khỏi châu Á, khiến các đồng tiền nội tệ mất giá và đẩy lãi suất trong khu vực lên cao hơn. Theo các chuyên gia, nếu lãi suất ở Mỹ thực sự tăng liên tục và kéo dài, đồng USD lên giá, nhiều nền kinh tế mới nổi sẽ gặp thách thức, nhất là những quốc gia mà sự chênh lệch lãi suất có ý nghĩa hỗ trợ quan trọng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước