Nhiều người Mỹ đi xin thực phẩm do giá tăng

Nguyễn Mai-Chủ nhật, ngày 13/02/2022 19:07 GMT+7

VTV.vn - Tại Mỹ, ảnh hưởng kinh tế do đại dịch, lạm phát khiến nhiều người Mỹ thậm chí còn phải đi xin thực phẩm.

Số liệu mới công bố của chính phủ Mỹ cho thấy, lạm phát tính đến tháng 1 năm nay tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất trong 4 thập kỷ qua tại Mỹ. Lạm phát cao tiếp tục khiến cho giá thực phẩm khó có thể giảm trong thời gian tới. Điều này đang buộc ngày càng nhiều người Mỹ cầu cứu các ngân hàng thực phẩm.

7,5% là mức tăng giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 1 - tốc độ tăng trung bình nhanh nhất trong gần 40 năm. Đây là thông tin được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 11/2. Giá các mặt hàng đều đắt đỏ, đẩy cuộc sống của nhiều người Mỹ trở nên khó khăn hơn do tác động kép của đại dịch và lạm phát xoắn ốc.

Kể từ khi COVID-19 hoành hành tại Mỹ, các tổ chức phúc lợi xã hội, bao gồm cả ngân hàng lương thực, ngày càng trở thành nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng cho nhiều người nước này.

Ở thành phố Denver, bang Colorado, nhiều gia đình đang phải vật lộn để kiếm sống, và những chiếc xe tải phân phối thực phẩm di động đã trở thành nguồn thực phẩm chính trong cuộc sống hàng ngày của họ, giúp mang thức ăn đến cho các nhóm thu nhập thấp tại địa phương.

Chị Carrie Daughterty, TP Denver, Mỹ, chia sẻ: "Tôi thường mua thực phẩm theo gói lớn, khoảng 2,3kg. Trước đây có giá khoảng 11 - 12 USD, nhưng bây giờ đã lên tới 15 - 16 USD. Ngân hàng thực phẩm mà tôi đến, họ phát hàng tấn thực phẩm, đó là một điều may mắn bởi vì nếu không có họ thì gia đình tôi không biết ăn bằng gì".

Giá cả tăng cao cũng gây áp lực lên các tổ chức hỗ trợ lương thực. Ví dụ như thực phẩm đóng hộp, một loại thức ăn thuận tiện và giá cả phải chăng. Theo Cục Thống kê Hoa Kỳ, hiện nay giá của chúng đã tăng vọt 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực phẩm và tiền đóng góp tự nguyện từ người dân địa phương cũng đã giúp đỡ rất nhiều cho các ngân hàng lương thực, nhưng các tổ chức đó đang cảm thấy khó khăn vì đại dịch đã làm giảm số lượng người quyên góp. Chia sẻ với hãng thông tấn Reuters, một số ngân hàng thực phẩm cho biết họ chỉ có thể cầm cự thêm 6 tháng nếu như giá cả các mặt hàng không giảm. Còn đối với nhiều hộ gia đình buộc phải ăn uống kham khổ do chi phí thực phẩm tăng cao, trước mắt họ chỉ biết thêm những thứ rẻ như mỳ ống hoặc khoai tây cho những đứa trẻ được no bụng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước