Nhiều nước lân cận sốc khi 15 doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam

Thùy An-Thứ sáu, ngày 24/07/2020 07:12 GMT+7

VTV.vn - Đây là thông tin rất đáng chú ý được đưa ra bởi ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội.

"Trong 30 doanh nghiệp được lựa chọn hỗ trợ lần này thì có 15 doanh nghiệp lựa chọn đến Việt Nam. Thông tin này khi công bố đã gây sốc rất nhiều cho các nước lân cận của Việt Nam.

Các quốc gia như Thái Lan, Indonesia… thấy rằng họ sẽ có quyết tâm, nỗ lực để không thể thua Việt Nam. Họ sẽ cố gắng để cải thiện môi trường kinh doanh của mình", ông Takeo Nakajima nói tại buổi họp báo thông tin về việc 15 doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư tại Việt Nam chiều qua (23/7).

Nhiều nước lân cận sốc khi 15 doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội

Tại buổi họp báo ông Takeo Nakajima nhấn mạnh 15 doanh nghiệp Nhật Bản không dịch chuyển sang Việt Nam như một số phương tiện truyền thông đã đưa thời gian qua. Thay vào, 15 doanh nghiệp Nhật Bản sang đầu tư tại Việt Nam lần này nhằm mở rộng và đa dạng chuỗi cung ứng.

"Mục đích của chương trình này là mở rộng chuỗi cung ứng, hay đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Không phải là việc chuyển sản xuất từ nước này sang nước kia", ông Takeo Nakajima lấy nhấn mạnh.

Tại sao chọn Việt Nam?

Tại buổi họp báo, ông Takeo Nakajima cũng chia sẻ một số lý do tại sao Việt Nam lại được các doanh nghiệp Nhật lựa chọn.

"Thực ra nó có nhiều lý do, mỗi doanh nghiệp lại có lý do khác nhau. Tuy nhiên khi nói đến khu vực ASEAN, Việt Nam hiện nay là điểm sáng trong việc kiểm soát COVID-19", Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội cho biết.

Nhiều nước lân cận sốc khi 15 doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam - Ảnh 2.

Kiểm soát tốt COVID-19 là một trong những lý do khiến 15 doanh nghiệp Nhật Bản sang đầu tư tại Việt Nam lần này nhằm mở rộng và đa dạng chuỗi cung ứng

Cũng theo ông Takeo Nakajima, trong số 15 doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng sản xuất sang Việt Nam, có nhiều công ty sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ lao động… Những sản phẩm này liên quan đến lĩnh vực dệt may, tại đây Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp có năng lực, uy tín… Đây cũng có thể là một trong các lý do, các doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam.

Ngoài ra chi phí thấp tại Việt Nam cũng được xem là 1 lý do khác.

Ở châu Á, ở Nhật Bản đã hình thành các chuỗi cung ứng như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), nhưng tại đây chi phi ngày càng đắt đỏ, nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp có xu hướng mở rộng hay chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á.

Ngay cả Đông Nam Á, nếu xét như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia… chi phí sản xuất cũng ngày càng cao. Vì vậy doanh nghiệp ở Nhật Bản có xu hướng chuyển sang Myanmar hay Việt Nam, những nơi có chi phí rẻ hơn.

Nhiều nước lân cận sốc khi 15 doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam - Ảnh 3.

Việt Nam đang có lợi thế chi phí thấp. Song điều này có thể sớm kết thúc?

Tuy nhiên theo ông Takeo Nakajima, chi phí thấp có thể sớm không còn là lợi thế của Việt Nam.

"Việt Nam hiện nay đang thuộc nhóm chi phí thấp nhưng hàng năm chi phí đất đai, nhân công ngày càng gia tăng nên lợi thế chi phí giá rẻ của Việt Nam sẽ không còn lợi thế nữa. Việt Nam cần phải tạo cho mình những lợi thế khác ngoài chi phí giá rẻ", ông Takeo Nakajima nói.

Theo ông Takeo Nakajima, những lợi thế khác mà Việt Nam có thể tận dụng trong thời gian tới như: quy mô dân số lớn (hơn 95 triệu dân), thị trường tiêu dùng ngày càng lớn, quyết tâm của Chính phủ trong việc thu hút FDI…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước