Nhiều quán ăn nhỏ thậm chí chấp nhận lấy công làm lãi, còn hơn là mất khách. Khó khăn chung nên mỗi người chia sẻ với nhau một chút. Khi nền kinh tế phục hồi, thu nhập người dân tốt hơn các hoạt động kinh doanh cũng sẽ khởi sắc trở lại.
Ghi nhận tại một quán ăn ở TP Hồ Chí Minh, bảng giá mới được ông bà chủ dán lên sau Tết. Món nào tăng giá dán đè lên một miếng băng keo, nhưng họ cũng không tăng giá nhiều. Nhân lực trong nhà: già, trẻ, nam, nữ…đều huy động hết để phụ việc nhằm giảm chi phí hết mức có thể.
"Món nào mà thị trường lên thì mình phải nhích lên. Mỗi món lên có 5.000", ông Vũ Khâm, TP Hồ Chí Minh, nói.
Nhiều quán ăn chấp nhận lấy công làm lãi, còn hơn là mất khách. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Không vội tăng như ông hàng xóm, tiệm bánh bao của bà Cúc vẫn giữ giá. Mới bán lại 1 tháng nay, khách còn thưa nên bà vẫn giữ giá, để có thêm khách. Tiền lời, hiện bà tính theo tuần, chứ không tính hàng ngày.
"Mấy ngày đầu mới ra bán, cả tuần lời chừng vài trăm ngàn, tức là trừ hết các khoản rồi", bà Nguyễn Thị Cúc, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Ngay bên cạnh, tiệm bánh mì của bà Hoa quyết định vẫn giữ giá giữa lúc bão giá. Bột mì, chả lụa đều tăng, nhưng thời buổi sau dịch buôn bán cũng khó hơn trước, càng tăng giá càng khó bán, nên cứ ráng lấy công làm lời.
"Tăng giá nó cũng sẽ bị ảnh hưởng tại vì ở mức đó mình còn ế nói chi tăng. Mình tăng chắc chắn sẽ bị ế tiếp", bà Nguyễn Thị Hoa, TP Hồ Chí Minh, cho hay.
Với nhiều quán, thịt có tăng cũng thêm chục ngàn đồng một kg, rau tăng vài nghìn một bó... vẫn cân đối được, giảm lợi nhuận một chút để có khách vẫn tốt hơn.
Bình ổn giá để ổn định kinh tế vĩ mô VTV.vn - Giá xăng dầu, nguyên vật liệu... tăng cao, trong bối cảnh đó, Việt Nam là nền kinh tế mở nên chịu tác động rất mạnh, gây ra áp lực lạm phát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!