Nhiều thách thức cho ngành tôm
Ngành tôm đã có những tín hiệu khả quan trong những tháng đầu năm nay khi kim ngạch xuất khẩu quý I đạt trên 686 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, những nỗi lo của doanh nghiệp lẫn bà con vẫn chưa vơi đi khi tôm Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh, môi trường. Nhiều bà con trong vụ nuôi đang phập phồng với nhiều thận trọng.
Vùng nuôi rộng 150 ha với 261 ao, ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, ngay từ khâu đầu vào của chuỗi sản xuất, doanh nghiệp đã gặp khó. Phải đi đến 34 trại giống từ miền Tây đến miền Trung, con giống đạt chuẩn mới được nhập về. Dù vậy, vẫn không tránh khỏi thiệt hại do dịch bệnh, môi trường.
Bà Quách Thị Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Các bệnh này tôm giống thường bị thiệt hại trong giai đoạn dưới một tháng tuổi, do đó, chúng ta phải ương dưỡng lại để kiểm soát, hạn chế tối đa thiệt hại".
Rút kinh nghiệm từ vụ nuôi vừa qua, bên cạnh tuân thủ tốt lịch thời vụ theo đúng khuyến cáo, Hợp tác xã Hòa Nghĩa đã chủ động xây dựng phương án sản xuất phù hợp. Một trong những giải pháp để gia tăng lợi nhuận là nuôi tôm về cỡ lớn, vừa giảm thiểu thiệt hại, vừa tăng giá bán.
Ông Ngô Thanh Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã Hòa Nghĩa, Sóc Trăng chia sẻ: "Bây giờ mình chuyển sang nuôi thưa lại qua ao lưới, lúc đầu mình rào tôm trên ao bạt, sau khoảng 2 tháng, mình đưa xuống ao lưới cho giãn mật độ thưa để nuôi về size lớn cho an toàn".
Tính toán là thế, nhưng những ngày qua, thị trường lại có biến động khi tôm cỡ nhỏ được thu mua nhiều hơn, giá tốt hơn.
Ông Ngô Văn Nghiệp - Giám đốc vùng nuôi, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, tôm nhỏ bị bệnh không lớn nhưng thị trường Trung Quốc ăn tôm nhỏ, giá hơi cao. Nếu họ kiểm được màu, đạt chất lượng, họ bao mua được 95.000 đồng/kg".
Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam nêu ý kiến: "Các nước tiêu thụ tôm đã giải quyết được tồn kho của năm vừa qua. Thành ra họ tăng lượng mua lên. Mặc dù tổng nhu cầu không tăng nhưng do không còn tồn kho nên họ mua lên. Ba tháng đầu năm, Sóc Trăng tăng trên 30% về doanh thu".
Đây được xem là tín hiệu vui, cho thấy xuất khẩu tôm Việt Nam đang trên đà phục hồi và có thể tăng trưởng từ 10% - 15% như dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Ngoài ra, nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật, nên trong thời gian tới, thủy sản đặc biệt là con tôm sẽ có cơ hội phát triển.
Khó cạnh tranh về giá thành, nhưng nước ta lại có lợi thế về tôm chất lượng, tôm sinh thái
Hiệu quả ở các vùng nuôi tôm đạt chuẩn
Khó cạnh tranh về giá thành, nhưng nước ta lại có lợi thế về tôm chất lượng, tôm sinh thái. Chẳng hạn Bạc Liêu có gần 4.000 ha tôm nuôi đạt các chứng nhận quốc tế như Organic hay GlobalGAP. Thời gian qua, ở các vùng nuôi tôm liên kết theo chuỗi vẫn được giữ tính hiệu quả và bền vững.
Để có được chứng nhận vùng nuôi đạt tiêu chuẩn quốc tế, nông dân phải đáp ứng hàng trăm tiêu chí. Cơ bản nhất là con giống được xét nghiệm trước khi thả nuôi, sử dụng vi sinh, không sử dụng kháng sinh, hóa chất. Đổi lại, sản phẩm làm ra được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường đến 15% và hỗ trợ một phần chi phí đầu vào. Điều quan trọng là áp dụng mô hình này, năng suất ổn định, tôm nuôi ít dịch bệnh hơn và chất lượng tôm thương phẩm cũng được nâng cao.
Ông Trần Quốc Dũng - Hợp tác xã Ba Mến, Đông Hải, Bạc Liêu cho rằng, một ha tôm thu hoạch 300 kg, cua cá các loại chiếm khoảng 30%.
Tại nhiều địa phương, việc liên kết bao tiêu tôm nuôi và chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế thời gian qua đã góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa, cung ứng nguyên liệu lớn. Điều quan trọng là chuỗi liên kết này tạo nên được sự bền vững.
Ông Nhữ Văn Cẩn - Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra ý kiến: "Bên cạnh hệ thống như thâm canh, chúng ta cũng nên ưu tiên, phát triển mô hình nuôi thân thiện với môi trường như nuôi tôm hữu cơ, nuôi tôm rừng hoặc tôm lúa".
Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ riêng Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và Bến Tre đã cung cấp khoảng 70% sản lượng và giá trị xuất khẩu ngành tôm. Chính vì thế, phát triển các vùng nuôi đạt chuẩn, gắn liên kết sẽ là cơ hội nâng cao chất lượng và giá trị cho ngành hàng tỉ đô trong thời gian tới.
Ngành tôm hướng đến giảm phát thải
Không chỉ nâng cao chất lượng tôm, nhiều doanh nghiệp đã và đang hướng đến sản xuất xanh, giảm phát thải. Đây cũng là hướng đi tất yếu và bền vững trong thời gian tới. Xây dựng các hố Biogas hay trồng rừng ngay tại vùng nuôi được xem là giải pháp hiệu quả.
Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho rằng: "Biogas giải quyết vấn đề môi rất tốt trường. Thứ nhất là phù hợp quy định về môi trường của Nhà nước, thứ hai là các nhà đánh chứng nhận về vùng nuôi an toàn và vùng nuôi có tác động tích cực đến cộng đồng rất thích và họ cấp chứng nhận cho mình để mình tạo điều kiện bán được vào hệ thống siêu thị, nhà hàng nổi tiếng trên thế giới".
Ông Ngô Văn Nghiệp - Giám đốc vùng nuôi, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta nêu nhận định: "Khi mình nuôi tôm thì có phát thải ra môi trường, mình phải có cách khắc phục bằng cách trồng rừng. Thế giới đang cần vấn đề đó. Mình phải tiếp tay để giữ môi trường, trồng những nơi nào dễ trồng nhất để chi phí giảm lại. Nuôi đã khó khăn, nếu như chi phí nhiều quá thì mình không chịu nổi".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!