Hạn mức giao dịch ví điện tử cá nhân là 20 triệu đồng/ngày, đối với tổ chức là 100 triệu đồng/ngày. Đây là những hạn mức giao dịch qua ví điện tử được quy định trong Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39 Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến. Nếu được áp dụng, đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp ví điện tử chịu điều chỉnh về hạn mức giao dịch.
Đại diện một doanh nghiệp cho biết, trị giá các giao dịch trên ví điện tử đang có xu hướng ngày càng tăng. Doanh nghiệp đang có chiến lược đẩy mạnh hợp tác với các trang thương mại điện tử, công ty du lịch, công ty tài chính cho phép người dùng ví điện tử thanh toán những sản phẩm dịch vụ có giá trị lớn ở mức vài chục triệu đồng. Tuy nhiên nếu quy định mức trần 20 triệu đồng/ngày đối với cá nhân và 100 triệu đồng/ngày đối với tổ chức thanh toán ví điện tử được áp dụng, doanh nghiệp lo ngại sẽ ảnh hưởng đến 5 triệu khách hàng hiện có và cả hàng chục triệu khách hàng tiềm năng.
Ngân hàng Nhà nước lý giải, việc quy định hạn mức giao dịch đối với ví điện tử nhằm tránh rủi ro lợi dụng ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, cũng như phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành cho rằng, đã đến lúc cần thiết có những quy định cụ thể cho ví điện tử, khi trước giờ vẫn còn nhiều khoảng trống pháp lý. Tuy nhiên, việc áp hạn mức ở mức như đang đề xuất là chưa hợp lý.
Hiện số lượng trung gian thanh toán đã tăng lên mức gần 30 công ty. Đáng chú ý, theo Napas, trong năm 2018, tổng giá trị thanh toán điện tử qua mạng lưới của trung gian này tăng gần 170% so với năm trước đó.
Giới chuyên gia nhận định, với một thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng, việc có các quy định quản lý để đuổi kịp nhằm hạn chế rủi ro là hợp lý, tuy nhiên, cần có sự phản biện kỹ càng với những quy định có thể kiềm hãm sự phát triển của các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang được Chính phủ khuyến khích.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!