Nhìn lại chặng đường 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 03/10/2018 21:18 GMT+7

VTV.vn - Nhìn lại chặng đường thu hút đầu tư nước ngoài 30 năm qua, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã gắn bó và đồng hành với Việt Nam.

30 năm chặng đường đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đã đi qua. Dấu mốc quan trọng là cuối năm 1987, khi Luật Đầu tư nước ngoài được Quốc hội thông qua đã mở đường cho dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Từ chỗ chúng ta như tờ giấy trắng về đầu tư nước ngoài, đến nay, đã có tới 26.500 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký lên tới gần 335 tỷ USD.

Con số FDI khổng lồ đó là nguồn vốn quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời mang lại nhiều sự thay đổi về xã hội. Từ chỗ chập chững ban đầu, thu hút những dự án chỉ vài triệu USD đã được coi là thành công thì nay danh sách dự án tỷ đô đã rất nhiều. Không chỉ vậy, quá trình thu hút FDI đã mang lại sự trưởng thành cho chính chúng ta, trong đó, thể hiện rõ nhất là sự thay đổi tư duy trong cách thức thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bình Dương là một trong những địa phương thay đổi rõ nhất nhờ có FDI.

Đến nay, nguồn vốn FDI đã có mặt ở tất cả các địa phương trong cả nước. "Tại sao lại chọn Việt Nam?" là câu hỏi rất lớn với các nhà đầu tư trước khi đưa ra quyết định. Sự ổn định về chính trị, nhất quán về chính sách và quan trọng là một tinh thần cải cách môi trường đầu tư quyết liệt cho thấy sự cầu thị của Chính phủ trong thu hút FDI.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cũng chính là những lá phiếu ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống kiến tạo, phục vụ. Trong báo cáo 2018 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã xếp hạng 68/190 nền kinh tế về môi trường kinh doanh.

Nhìn lại chặng đường thu hút đầu tư nước ngoài 30 năm qua, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã gắn bó và đồng hành với Việt Nam, thậm chí coi Việt Nam như ngôi nhà thứ hai của mình.

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI không những là mắt xích quan trọng mà còn tạo đòn bẩy để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là những đóng góp lớn trong xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu ví nền kinh tế Việt Nam như một "cỗ xe" thì các doanh nghiệp FDI là một "chiếc bánh quay" khá mạnh và hiệu quả nhưng lại thiếu tương tác và đồng bộ với những chiếc bánh còn lại là các doanh nghiệp trong nước. Đây là thực tế đã diễn ra từ lâu và hiện được xem là một trong những hạn chế lớn nhất cần khắc phục trong thời gian tới.

Câu chuyện của Pepsico phần nào cho thấy, DN Việt không có cách nào khác là phải mạnh hơn. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư nước ngoài hiện cũng chỉ chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Do đó nguồn lực ở trong nước hay chính nguồn lực từ kinh tế tư nhân vẫn rất quan trọng và dồi dào. Đây cũng sẽ là trọng tâm mà Chính phủ đang hướng tới, một nền kinh tế cân bằng giữa tận dụng vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ trong thời gian qua nhằm đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân sẽ được gỡ bỏ nhiều rào cản, có dư địa để phát triển. Đây cũng chính là nền tảng để doanh nghiệp tư nhân sớm lớn mạnh, đồng hành cùng khối các doanh nghiệp nước ngoài và cùng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, làm ra những sản phẩm Made in Vietnam tiêu chuẩn quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước