Theo báo Đầu tư số ra sáng nay (1/10), kể từ năm 2013 đến tháng 9/2018, Việt Nam đã thu hút được hơn 150 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm gần 45% tổng vốn FDI mà Việt Nam thu hút được được 30 năm qua.
Cụ thể, chính sách thu hút FDI đã phát triển theo hướng tăng chất ấn tượng, thay vì chạy theo số lượng sang chọn lọc các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường; đặc biệt là quan tâm thu hút các dự án quy mô lớn, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ; đồng thời hạn chế thu hút các dự án đầu tư làm gia tăng tình trạng nhập siêu, tiêu tốn nhiều năng lượng, khai thác khoáng sản không gắn với chế biến; không cấp phép đối với các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường...
Bài viết trên báo Đầu tư nhấn mạnh: Chỉ 5 năm trước đây, không ai ngờ Việt Nam có thể trở thành cứ điểm sản xuất các thiết bị di động. 5 năm trước, không chuyên gia kinh tế nào dự báo được các dự án FDI đã góp phần rất lớn khiến Việt Nam có thể đạt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 400 tỷ USD trong năm 2017 và từ một nước nhập siêu lớn, Việt Nam đã bắt đầu xuất siêu từ năm 2012.
Ở một góc nhìn khác, bài viết trên tờ Đại biểu nhân dân sáng nay cho rằng bên cạnh các thành tựu đạt được, FDI ít có tác động lan tỏa, mức độ kết nối chưa cao với kinh tế trong nước.
Bài báo nhắc lại câu chuyện về khả năng sản xuất "ốc vít và giắc cắm" điện thoại thông minh cho tập đoàn Samsung của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế.
Bài viết này cho rằng, trong nền kinh tế đang tồn tại đồng thời hai khu vực có tính tách biệt rất lớn là khu vực FDI và khu vực kinh tế còn lại. Để kết nối hiệu quả 2 khu vực này, cần có những điều kiện, chính sách nhất định.
Đây là vấn đề các nhà hoạch định chính sách đã nhìn ra. Báo Đầu tư trích dẫn ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, một số định hướng chiến lược thu hút FDI của Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng và tổng kết 30 năm thu hút FDI, nhìn về phía trước, Việt Nam phải có chính sách để làm sao khắc phục được những tồn tại, hạn chế này. Hơn nữa, những thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, khu vực và trong nước cũng đang đặt ra yêu cầu phải có những thay đổi trong định hướng chiến lược về thu hút FDI giai đoạn tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!