Tăng trưởng tín dụng cần tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các động lực tăng trưởng kinh tế. Đây là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính Phủ giao cho ngành ngân hàng, trong Nghị Quyết 93 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nguồn vốn vẫn là 1 trong những trợ lực quan trọng cho quá trình sản xuất kinh doanh. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến giữa tháng 6, tín dụng đã tăng 3,79% so với cuối năm ngoái.
Số liệu trên của Ngân hàng Nhà nước mới tính đến 14/6. Tuy nhiên, nếu phân tích kĩ hơn. Với mức tăng 3,79%, thì ước tính, đã có khoảng hơn 500 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng được cho vay ra nền kinh tế từ đầu năm nay. Dù vẫn còn thấp nhưng theo Ngân hàng Nhà nước đây là doanh số cho vay tốt nhất cùng kỳ 3 năm trở lại đây. Sau 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm vì nhu cầu vay vốn yếu, thì chỉ trong vòng 1 tháng gần đây, tín dụng đã tăng tốc, tăng hơn 1%; khi hoạt động của doanh nghiệp đang phục hồi.
100% các thiết bị đo lường đều đã được đặt hàng từ trước, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ cần nhập đến 11 tỷ đồng tiền hàng, và dự kiến lượng đơn hàng sẽ tăng 50% trong quý 3. Vì vậy doanh nghiệp sẽ cần huy động 1 lượng vốn lớn để nhập hàng.
Dù mới giữa năm, nhưng doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm nay. Với tình hình kinh doanh khả quan, nhiều ngân hàng chào mời vay vốn ưu đãi, hiện lãi vay đã được giảm thêm 2% so với năm ngoái.
"Lãi suất của ngân hàng vay vốn của doanh nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi chi phí đầu vào giảm xuống, lãi suất phải trả cho khoản vay thấp hơn thì chi phí mỗi đơn hàng sẽ thấp hơn. Đối với lượng đơn hàng trong quý 3 tăng 50% thì lượng vốn vay sẽ huy động thêm từ 20-30%", ông Tống Minh Phương - Quản lý Mua hàng Quốc tế, Công ty Cổ phần EMIN Việt Nam cho hay.
Để đáp ứng nhu cầu vay phục vụ sản xuất kinh doanh, ngân hàng TPBank đã dành nhiều gói ưu đãi lãi suất, đặc biệt dành cho các lĩnh vực ưu tiên với mức lãi suất dao động từ 5% - 8%/năm. Đồng thời, giảm thêm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu.
Các ngân hàng đã dành nhiều gói ưu đãi lãi suất để đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc, Ngân hàng TPBank cho biết: "Từ đầu năm đến nay chúng tôi cũng tập chung vào một số ngành, đặc biệt 1 số ngành liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông sản, xây lắp. Không chỉ cấp tín dụng cho vay kể cả các dịch vụ khác như bảo lãnh, tài trợ thương mại chúng tôi cũng đang đẩy mạnh. Trong thời gian vừa rồi các mảng của khách hàng doanh nghiệp cũng đang được trú trọng".
Song song với việc hỗ trợ vốn cho sản xuất đầu vào, các ngân hàng thương mại cũng có giải pháp để hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp như các gói cho vay tiêu dùng để kích cầu chi tiêu của người dân. Như ngân hàng An Bình đã dành 6.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng.
"Lãi suất hiện tại đang áp dụng ở ngưỡng khoảng 7,3%/năm hoặc 8% trong vòng 24 tháng với một số các điều kiện ưu đãi như vay tới 100% nhu cầu vốn, thời hạn vay tới 35 năm. Hiện tại tổng phần cho vay tiêu dùng chiếm 15-20% tổng danh mục chung liên quan đến dư nợ tín dụng bán lẻ", bà Phùng Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc, Khối Khách hàng Cá nhân Ngân hàng ABBANK cho hay.
Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu vay vốn sẽ cải thiện nhiều hơn từ quý 2, và trong cả năm nay, do kỳ vọng nền kinh tế có diễn biến tích cực, ngành sản xuất, xuất khẩu đang dần phục hồi.
Cải thiện chính sách cho vay để thúc đẩy tín dụng
Nhiều phương án cải thiện chính sách cho vay đã được áp dụng để thúc đẩy tín dụng.
Tín dụng có sự phân hóa lớn, 1 số ngân hàng tín dụng tăng âm, có nghĩa là dòng vốn không cho vay ra được, hoặc khách hàng trả nợ xong không vay thêm. Có nhiều nguyên nhân, có thể do tệp khách hàng của ngân hàng đó gặp khó, hoặc danh mục của ngân hàng có liên quan nhiều tới bất động sản, xây dựng, hay những ngành vẫn đang tìm cách phục hồi. Có 1 nguyên nhân có thể xem lạc quan hơn, chính là yêu cầu của Chính phủ về công khai lãi suất cho vay. Công khai nên người vay có thể bỏ ngân hàng này, sang ngân hàng khác có chính sách tốt hơn.
Vì thế, mà vẫn có nhiều ngân hàng tín dụng tăng gấp đôi, gấp 3 mức bình quân chung của hệ thống. Những ngân hàng nằm trong top đầu có mức tăng tín dụng tốt trên 10% có thể kể tới LPBank, hay Techcombank, tiếp đến là BIDV, MB. Chính sách vay tốt là chìa khóa quan trọng giúp ngân hàng cải thiện mức tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Tín dụng tăng được hơn 6% với tỷ lệ nợ xấu thấp, ngân hàng chia sẻ, họ phải áp dụng đồng thời nhiều phương án. Vừa giảm lãi suất cho vay, vừa đơn giản thủ tục bằng cách ứng dụng công nghệ số để minh bạch hoạt động cho vay.
Ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MBBank cho biết: "Không có giải pháp duy nhất nào để đảm bảo tăng tín dụng và sức hấp thụ của thị trường, tổng hợp kể cả về giá. Các ngân hàng hiện tại cũng giảm lãi suất sâu nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, giá thấp thì cầu sẽ tăng. Thứ 2 là về các thủ tục, các ngân hàng cũng tiếp tục tinh chỉnh các quy trình thủ tục".
Còn với ngân hàng SHB, bên cạnh việc thiết kế riêng các gói vay ưu đãi phù hợp với đặc trưng của từng nhóm ngành cụ thể, ngân hàng còn tìm cách giảm chi phí hoạt động. Từ đó, mới có thể đưa ra các mức lãi vay cạnh tranh.
"Ngoài việc huy động nguồn vốn giá rẻ trong nước thì còn hợp tác với nguồn vốn quốc tế, ODA, để đa dạng nguồn ưu đãi, sẵn sàng vốn để hỗ trợ cho doanh nghiệp khi có nhu cầu", ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp SHB chia sẻ.
Phấn đầu giảm thêm lãi suất cho vay cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ đối với ngành ngân hàng. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hài hòa để giữ ổn định lãi suất, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong vấn đề hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại trên cơ sở tiết giảm chi phí và trên cơ sở điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước một cách ổn định để tạo mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ổn định, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Cùng với những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh hiện nay của các doanh nghiệp, để tăng khả năng, điều kiện tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp cũng như người vay vốn. Trên cơ sở cả hai phía như vậy chúng tôi tin chắc từ nay đến cuối năm tín dụng có thể sẽ tăng một cách tích cực".
Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong trường hợp cần thiết để đảm bảo có nguồn vốn cho vay, đáp ứng các nhu cầu vay hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Trong Nghị quyết 93 mới ban hành, Chính Phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, ưu tiên hạn mức tín dụng cho các ngân hàng hoạt động hiệu quả, lành mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!