Vào lúc 7h25 giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 26 xu Mỹ (0,3%) xuống 82,53 USD/thùng trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao dịch kỳ hạn giảm 23 xu Mỹ (0,3%) xuống 78,03 USD/thùng.
Trong phiên cuối tuần trước, giá cả hai loại dầu trên đều giảm khoảng 1 USD khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang tranh luận liệu lãi suất của Mỹ có đủ cao để đưa lạm phát trở lại mức 2% hay không.
Các nhà phân tích kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất chính sách ở mức hiện tại lâu hơn, qua đó, tạo đà tăng cho đồng USD. Đồng bạc xanh mạnh khiến giá dầu tính bằng USD trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Bên cạnh đó, việc Fed chưa vội hạ lãi suất có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo các nhà phân tích của ANZ, giá dầu đi xuống trước dấu hiệu nhu cầu yếu, khi lượng tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng trong tuần trước khi mùa lái xe ở Mỹ bắt đầu.
Dù vậy, thị trường vẫn nhận được hỗ trợ nhờ kỳ vọng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, có thể gia hạn chương trình cắt giảm nguồn cung sang nửa cuối năm nay.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq ngày 12/5 khẳng định nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của OPEC này cam kết cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện theo thỏa thuận của OPEC và mong muốn hợp tác với các nước thành viên trong nỗ lực đạt được sự ổn định hơn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Đầu tháng này, OPEC+ đã chỉ trích Iraq khi nước này bơm vượt hạn ngạch sản lượng tích lũy 602.000 thùng mỗi ngày trong ba tháng đầu năm 2024. OPEC+ cho biết Baghdad đã đồng ý bù đắp bằng việc cắt giảm sản lượng bổ sung trong thời gian còn lại của năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!