Những kịch bản chờ đợi thị trường sau cuộc họp Fed

VTV Digital-Thứ tư, ngày 18/09/2024 23:27 GMT+7

VTV.vn - Theo công cụ FEDWatch của CME Group, giới đầu tư đang kỳ vọng có tới 63% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất mạnh tay, chuyên gia lại nghiêng về phương án 0,25 điểm %.

Sau khi nâng lãi suất lên mức cao nhất trong gần hai thập kỷ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tháng 9 vào rạng sáng nay theo giờ Việt Nam.

Trước thềm công bố quyết định lãi suất của Fed, mức cắt giảm lãi suất 0,25 hay 0,5 điểm % hiện vẫn là yếu tố khiến thị trường chia rẽ. Theo công cụ FedDWatch của CME Group, giới đầu tư đang kỳ vọng có tới 63% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất mạnh tay. Tuy nhiên phần lớn các chuyên gia lại nghiêng về phương án 0,25 điểm %, trong bối cảnh kinh tế Mỹ vẫn vững vàng.

Ông George Cipolloni - Giám đốc quản lý danh mục đầu tư, Công ty Penn Mutual Asset Management cho biết: "Nếu nhìn vào lịch sử, Fed hiếm khi bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất với mức giảm 0,5 điểm %. Họ chỉ làm điều này hai lần trong vài thập kỷ qua, là vào các năm 2007 và 2021. Cả hai đều dành cho những giai đoạn nền kinh tế suy giảm, và hiện nay, các dữ liệu cho thấy nền kinh tế chưa rơi vào tình trạng như vậy".

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh mức độ cắt giảm, một yếu tố sẽ được thị trường chú ý nhiều hơn, là những thông điệp mà giới chức Fed sẽ đưa ra sau cuộc họp. Việc thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm, hay quay đầu giảm, sẽ phụ thuộc vào việc thông điệp mà Fed đưa ra có khiến giới đầu tư hài lòng hay không.

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính - Kế toán, Đại học Bristol, Vương quốc Anh cho hay: "Nếu Fed làm thị trường thất vọng, chẳng hạn như khiến họ nghĩ rằng là sẽ cần cắt giảm ít hơn thì thị trường có thể sẽ bị thất vọng, và sẽ giảm giá. Ngược lại, nếu Fed đưa ra một cái thông điệp là Fed sẽ phải cần điều chỉnh chính sách lãi suất theo hướng nới lỏng đáng kể thì thị trường sẽ lạc quan. Do đó tôi nghĩ là yếu tố quan trọng nhất chính là các yếu tố phát biểu sau cuộc họp chứ không phải là cái mức độ cắt giảm".

Nhiều nền kinh tế đang hy vọng việc Mỹ hạ lãi suất sẽ khiến đồng USD suy yếu hơn, từ đó giảm bớt áp lực lên đồng nội tệ của họ. Tuy nhiên, triển vọng đồng USD sẽ còn phụ thuộc nhiều vào tương quan so sánh giữa mức lãi suất của Mỹ và lãi suất của các quốc gia khác.

"Cách đây khoảng vài ngày Economist đưa ra một cảnh báo là chúng ta có thể đã kỳ vọng quá nhiều vào việc đô la Mỹ sẽ giảm. Lý do là thứ nhất là thị trường đã bắt đầu chiết khấu cái kỳ vọng này vào trong tin tức và vào trong giá cả. Điều thứ hai nữa là việc đồng đô la Mỹ mất giá nhiều hay không, sẽ phụ thuộc vào các ngân hàng trung ương khác. Nếu các ngân hàng trung ương khác cũng cắt lãi suất và cắt nhiều hơn Fed, chưa chắc là đồng đô la Mỹ sẽ đi xuống. Lấy một ví dụ thôi, rất có thể là châu Âu sẽ phải cắt giảm nhiều hơn Fed và nếu đồng euro xuống giá thì đô la Mỹ sẽ tăng giá", Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính - Kế toán, Đại học Bristol, Vương quốc Anh phân tích.

JPMorgan chỉ ra rằng, đồng USD trên thực tế đã mạnh lên sau 3 trong 4 chu kỳ nới lỏng tiền tệ gần đây. Đây sẽ là điều mà các nhà đầu tư cần chú ý, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương khác cũng sẽ nối gót Fed trong việc giảm lãi suất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước