Sau đây là một vài cái tên được xem là có nhiều nguy cơ nhất theo đánh giá của tạp chí Forbes:
Vương quốc Anh
Lần đầu tiên kể từ năm 2012, nền kinh tế xứ sở sương mù đã sụt giảm 0,2% trong quý II/2019. Nguyên nhân một phần rất lớn đến từ sự bất ổn của tiến trình Brexit, khi thời hạn chót Anh rời Liên minh châu Âu EU đã bị lùi tới 3 lần và tiếp tục tạo tâm lý hoang mang và không chắc chắn với giới doanh nghiệp.
Hiện Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đặt cược lớn vào "canh bạc" bầu cử sớm với hy vọng sẽ giải quyết bế tắc và thông qua thỏa thuận Brexit sửa đổi do ông đàm phán trước thời hạn ngày 31/1. Tuy nhiên, ngay cả khi kế hoạch này diễn ra suôn sẻ, kinh tế Anh được dự báo vẫn chịu thiệt hại khoảng 3,5% GDP trong dài hạn.
Liên minh châu Âu
Liên minh châu Âu đang đứng trước những nguy cơ suy thoái cao trong năm 2019. Đầu tàu số 1 của khu vực là Đức cũng đã chứng kiến sản lượng công nghiệp suy giảm trong quý III/2019, đặc biệt là ngành ô tô. Dự báo tăng trưởng của Đức cả năm nay sẽ chỉ đạt 0,1%. Một điểm nóng khác là Italy, nơi nền kinh tế số 3 khu vực Eurozone tiếp tục chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, đồng thời xung đột với giới chức EU về thâm hụt ngân sách và nợ công.
Hong Kong (Trung Quốc)
Các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng qua đã khiến đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) chứng kiến GDP suy giảm tới 3,2% trong quý III/2019 và lần đầu tiên rơi vào suy thoái kỹ thuật. Du lịch là ngành chịu nhiều thiệt hại nhất, với tổng lượng du khách giảm đến gần 40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một điểm sáng là thị trường tài chính Hong Kong (Trung Quốc) vẫn duy trì được đà tăng, thu hút được nhiều vụ IPO lớn trong năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!