Những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô 9 tháng

VTV Digital-Thứ hai, ngày 21/10/2024 16:00 GMT+7

VTV.vn - Theo báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội, kinh tế 9 tháng năm nay đã có nhiều khởi sắc.

Trong đó, riêng quý III năm nay thì tốc độ tăng trưởng GDP trong đạt 7,4%. Đây là kết quả tích cực nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương tới địa phương. Đặc biệt, ngay sau cơn bão số 3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143 để nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Tăng trưởng GDP của 9 tháng đầu năm nay đạt 6,82%. Ngoại trừ các năm có biến động nhiều do đại dịch COVID-19 (trong giai đoạn từ năm 2020 - 2023), thì mức tăng trưởng GDP 9 tháng đầu các năm khá ổn định, đều dao động khoảng từ trên 5% - 7%. Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19.

Khu vực công nghiệp và xây dựng là điểm sáng của 9 tháng qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,76%, cao hơn nhiều so với mức 1,94% của cùng kỳ năm ngoái.

Bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết: "Với ngành dệt may, da giày, Việt Nam tận dụng tốt các lợi thế nước ngoài. Ví dụ các xung đột ở Banglasdesh, các đơn hàng về ngành may, da giày đã chuyển về rất nhiều cho Việt Nam sản xuất".

Những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô 9 tháng - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

9 tháng đầu năm, nước ta thu hút được 25 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), niềm tin của khối doanh nghiệp này cũng tăng đáng kể. Kết quả khảo sát gần đây nhất của EuroCham cho thấy, gần một nửa số doanh nghiệp được hỏi tin rằng tình hình kinh tế vĩ mô sẽ có sự cải thiện trong quý IV.

Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá: "Có những chính sách mới được ban hành tạo động lực, lạc quan nhất định cho các doanh nghiệp châu Âu. Chúng tôi lấy ví dụ như chính sách điện và năng lượng".

Tổng cục Thống kê đánh giá, với bức tranh chung của 9 tháng đầu năm, vẫn còn dư địa để chúng ta đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 7%.

"Đặc biệt là đầu tư công, thông thường sẽ được đẩy mạnh vào cuối năm. Rất nhiều hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí, các đơn hàng xuất khẩu cũng được đẩy mạnh vào cuối năm", bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là một trong 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ đặt ra. Trong đó, tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân ít nhất 95%.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước