Với cú hích từ Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ, Ninh Thuận đã biến những khó khăn, thách thức của tỉnh thành tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư, nhất là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Trong ba năm gần đây, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng tỉnh Ninh Thuận vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GRDP thuộc nhóm đứng đầu cả nước, đứng thứ 4 trong số 63 tỉnh, thành phố.
Liên tục trong 3 năm 2019-2021, tỉnh Ninh Thuận nằm trong nhóm 5 tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách tăng khá cao, tăng 130 lần, từ 33,3 tỷ đồng lên 4.343 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, từ 1,37 triệu đồng lên 68,4 triệu đồng/người, tăng 49,9 lần. Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng từ 67,8 tỷ đồng, lên 29.920 tỷ đồng, tăng 441 lần.
Sản xuất nông nghiệp tăng 5,98%, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 24,6%, đứng đầu cả nước, năng lượng tái tạo tăng trưởng cao, tăng 59,8% tiếp tục làm đầu tàu tăng trưởng cho toàn ngành, đóng góp 6,84% tăng trưởng chung.
Trong lĩnh vực đầu tư, nhiều dự án động lực quy mô lớn được Ninh Thuận đẩy nhanh tiến độ như Cảng Cà Ná có thể tiếp nhận tàu 100.000 tấn; các dự án du lịch; 11 dự án năng lượng tái tạo hoàn thành với tổng công suất hòa lưới 447,7MW. Đến cuối năm 2021, tỉnh Ninh Thuận có 49 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất khoảng 3.035 MW vận hành thương mại với quy mô nguồn điện năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước, phát điện trên 4,7 tỷ kWh đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo phát triển và có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Ninh Thuận còn có một số khó khăn hạn chế: Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người còn thấp, việc thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo chậm lại so với trước; phát triển công nghiệp, du lịch còn hạn chế; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, còn thiếu so với yêu cầu phát triển, trong khi đó nguồn lực đầu tư công còn hạn chế, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương; doanh nghiệp trong tỉnh quy mô còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, hoạt động gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số,vùng sâu, vùng xa.
Ngày 17/4 vừa qua, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, quý I năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và một số kiến nghị, đề xuất. Trước đó, Thủ tướng đã đi thăm, khảo sát một số dự án, công trình lớn trên địa bàn tỉnh, tìm hiểu về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và cả những khó khăn nổi lên cần giải quyết của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Ninh Thuận là mảnh đất hội tụ nhiều giá trị khác biệt nhưng chưa phát huy thực sự hiệu quả, đúng tầm. Nguyên nhân quan trọng nhất là chưa hoàn thiện được hạ tầng chiến lược, mặc dù có các đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không. Còn thiếu một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Phương thức huy động nguồn lực ngoài khu vực nhà nước bằng hợp tác công tư còn những hạn chế. Các cơ quan Trung ương đã quan tâm hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận nhưng chưa đầy đủ, toàn diện. Ninh Thuận đã cố gắng, mang lại hiệu quả, nhưng cần tiếp tục cố gắng hơn nữa.
Trang trại điện gió Trung Nam được khánh thành tại huyện Thuận Bắc. (Ảnh: TTXVN)
Với tầm nhìn chiến lược giai đoạn tới là "Ninh Thuận - vùng đất hội tụ những giá trị khác biệt," tỉnh chủ trương tập trung các ngành có tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, có khả năng cạnh tranh cao, ưu tiên phát triển 5 cụm ngành gồm: năng lượng tái tạo và năng lượng sạch; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng - kinh doanh bất động sản.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực hiện các giải pháp, biện pháp duy trì, cải thiện các chỉ số PCI, SIPAS, PAPI, PAR-INDEX của tỉnh. Ninh Thuận hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông đa mục tiêu, có tính kết nối cao, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển, nhất là các ngành, lĩnh vực, vùng động lực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận (Ảnh: VGP)
Với tầm nhìn chiến lược giai đoạn tới là "Ninh Thuận - vùng đất hội tụ những giá trị khác biệt," tỉnh chủ trương tập trung các ngành có tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, có khả năng cạnh tranh cao, ưu tiên phát triển 5 cụm ngành gồm: năng lượng tái tạo và năng lượng sạch; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng - kinh doanh bất động sản.
Cùng với đó, Ninh Thuận sẽ tăng cường thực hiện ba khâu đột phá là nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; ứng dụng học công nghệ vào sản xuất, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cùng hai động lực là: kinh tế biển, kinh tế đô thị và một hạt nhân là con người. Toàn tỉnh quyết tâm nỗ lực khai thác các tiềm năng, thế mạnh, với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, nhất là nỗ lực phấn đấu để trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!