Hơn 9.600 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý mỗi tháng. Gần 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã được thu hồi. Có những dự án nghìn tỷ đắp chiếu vì nợ xấu nay đã hồi sinh nhưng cũng có những khoản nợ đã đổi chủ nhưng chưa thể sang tên. Bức tranh nợ xấu đã thay đổi ra sao sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 42?
Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu từng được ví như "thượng phương bảo kiếm" mà Quốc hội trao cho các tổ chức tín dụng để phá vỡ tảng băng nợ xấu. Có cách ví von như vậy vì Nghị quyết 42 cho phép ngân hàng được quyền thu giữ tài sản đảm bảo nếu con nợ cố tình không hợp tác. Điều này đã giúp giảm đáng kể tình trạng chây ì, không chịu bàn giao tài sản thế chấp của người đi vay.
Trong tổng số 9.600 tỷ đồng nợ xấu được xử lý mỗi tháng, gần một nửa là do khách hàng trả nợ. Con số này cao gấp đôi so với trước khi có Nghị quyết 42 cho thấy ý thức hợp tác trả nợ của người đi vay đã tăng lên. Tảng băng nợ xấu đang tan dần. Thực tế cho thấy, nhiều dự án, nhiều nhà máy đã hồi sinh trở lại sau thời gian dài đóng băng vì nợ xấu.
Không ít tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu, sau khi tìm được ông chủ mới, được tiếp thêm vốn đã hồi sinh trở lại. Tuy nhiên, cũng có những dự án, dù đã tìm được chủ mới nhưng chưa thể hồi sinh vì những vướng mắc trong việc chuyển giao tài sản đảm bảo.
Chính vì những vướng mắc phát sinh quanh việc chuyển giao tài sản đảm bảo mà không nhiều nhà đầu tư mặn mà tham giá đấu giá mua nợ xấu. Tính đến nay, sau 6 năm từ khi thành lập, VAMC mới đấu giá thành công 7 khoản nợ, với tổng giá trị trúng đấu giá gần 500 tỷ đồng.
Đại diện một số Ngân hàng cũng bày tỏ mong muốn sẽ sớm có những hướng dẫn cụ thể về nhiều quy định trong Nghị quyết 42 để khơi thông nút thắt nợ xấu như việc áp dụng thủ tục rút gọn tại tòa án hoặc quy định cho phép thu hồi nợ gốc trước khi nộp thuế để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu.
Theo kế hoạch, tỷ lệ nợ xấu phải giảm về dưới 3% vào cuối năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!