Đây là nhận định của một số các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài khi mới đây Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Vậy điều này sẽ có tác động như thế nào lên thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là về cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi?
Theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng là 49% và 30% trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi lần này quy định room ngoại của công ty đại chúng là 100%, trừ một số trường hợp nhất định. Các chuyên gia cho rằng việc loại bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài theo dự thảo lần này được cho là sẽ giúp Việt Nam đáp ứng tốt hơn các tiêu chí xem xét nâng hạng của các tổ chức xếp hạng như MSCI.
Theo ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế: "Một tiêu chí quan trọng đó là liên quan đến hành lang pháp lý, liên quan đến mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài, thì sửa đổi luật lần này là bước đi để tiếp tục hoàn thiện những tiêu chí đó và đặc biệt phải tăng tính minh bạch".
Các chuyên gia dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2020, nhưng hiện vẫn còn một số trở ngại liên quan đến lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và phân loại mô hình kinh doanh.
Ông Điêu Ngọc Tuấn - Trưởng phòng pháp chế, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT: "Muốn mở rộng thêm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài của các ngành nghề như dược phẩm hay kinh doanh bất động sản thì sẽ đòi hỏi phải có thêm sự sửa đổi trong luật đầu tư".
Những thay đổi mang tính tích cực của dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi được cho là sẽ tác động tích cực tới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng cần có khung pháp lý và văn bản cụ thể hơn liên quan đến các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và giới hạn sở hữu nước ngoài vẫn được giữ dưới 100%. Như vậy, việc nới room ngoại sẽ hiệu quả hơn khi Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực dự kiến vào cuối năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!