Câu chuyện nới room ngoại đang có những diễn biến trái chiều

Minh Long (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ hai, ngày 19/11/2018 09:56 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Có quan điểm cho rằng việc DN nội nới room ngoại là chấp nhận biến mình thành DN ngoại với những toan tính lớn nhưng cũng có thể mất cơ hội tốt vào tay đối thủ cạnh tranh.

Bia Sài Gòn vừa tuyên bố nhà đầu tư nước ngoài sẽ được sở hữu tối đa 100% vốn tại công ty. Bài "Doanh nghiệp Việt thành doanh nghiệp ngoại" của tờ Pháp luật TP.HCM cho rằng nới room lên 100% nhằm đón dòng vốn đầu tư nước ngoài, chấp nhận biến mình thành công ty nước ngoài với những toan tính lớn.

Một loạt công ty tên tuổi đã nới mạnh room ngoại như Công ty Thép Việt Ý, Dược Hậu Giang, Chứng khoán Bản Việt, Công ty Chứng khoán SSI, Nhựa Bình Minh... Sau khi mở toang cửa cho nhà đầu tư ngoại, họ đã đón được các dòng vốn lớn hơn để phát triển công ty. SSI liên tục nhận được dòng vốn ngoại từ quỹ đầu tư Nhật Daiwa. Dược Hậu Giang cũng nhận được đầu từ Taisho (Nhật).

Trong một động thái mới đây nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính đang tiến hành soạn thảo, sửa đổi Luật Chứng khoán. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện nay ở mức 49%, đối với các lĩnh vực quan trọng là 30%. Đề xuất mới sẽ là loại bỏ mức trần sở hữu. Điều đó cho phép các công ty nước ngoài có thêm quyền quản lý, là động lực để các nhà đầu tư gia nhập thị trường Việt Nam và mở rộng kinh doanh. Nikkei dẫn lời Giám đốc Bộ phận doanh nghiệp của Citibank. Tuy nhiên, nới room ngoại không chỉ có màu hồng.

Nhiều công ty phải đánh đổi các quyền lợi và chấp nhận cuộc chơi mới. Đó là các công ty Việt phải chấp thuận hoạt động theo các điều kiện của Luật Đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều điều không cho phép kinh doanh một số ngành nghề, đồng nghĩa sẽ bỏ mất nhiều cơ hội tốt vào tay các đối thủ cạnh tranh.

Trong khi đó, nhiều công ty tìm cách khóa chặt room ngoại nhằm chống bị thâu tóm, điển hình là Vinaconex bất ngờ khóa room ngoại xuống mức 0%. Gần 11% vốn cổ phần của PYN Elite Fund và và Market Vector Vietnam ETF liệu có phải bán ngay lập tức hay được phép bán dần và không được mua lại nữa, đây là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Lãnh đạo Vinaconex khẳng định, PYN không buộc phải bán số cổ phiếu VCG mà quỹ đang sở hữu và việc khóa room vừa qua chỉ là giải pháp kỹ thuật ngắn hạn để chuẩn bị cho việc thoái vốn Nhà nước sắp diễn ra. Như vậy, tạm thời, các nhà đầu tư, và cổ đông không phải lo cổ phiếu VCG bị xả hàng nhưng diễn biến bất ngờ này khiến Quỹ ngoại PYN hồi đáp báo Đầu tư Chứng khoán là chưa gặp một tình huống nào tương tự.

Từ góc độ quỹ ngoại, nếu một ngày nào đó, PYN tiếp tục nhận được thông tin một loạt doanh nghiệp mà quỹ này đang sở hữu cổ phần buộc phải khóa room ngoại như Vinaconex, không rõ họ sẽ hành xử ra sao?

Đánh giá về khoảng hở chốt room ngoại, quỹ PYN có đề xuất về áp dụng công cụ NVDR (chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết), nghĩa là nếu sợ bị thâu tóm hay loại bỏ mảng kinh doanh kiếm được tiền, việc áp dụng NVDR sẽ rất hiệu quả.

Khi một nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần NVDR, họ được hưởng tất cả các quyền lợi tài chính giống các nhà đầu tư khác nhưng không có quyền bỏ phiếu trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Bằng cách này, sự kiểm soát của các công ty vẫn trong tay người Việt, đồng thời mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài, bất chấp sự hạn chế về tỷ lệ room ngoại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước