Nóng bỏng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và lời cảnh báo từ "bom nợ" Evergrande

Vấn đề hôm nay-Thứ sáu, ngày 03/12/2021 06:36 GMT+7

VTV.vn - Theo thống kê, hơn 100 doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trên 141.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Khép lại tháng 11 đã có hơn 20 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị phát hành lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Còn tính từ đầu năm, quy mô giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ đã lên tới trên 436 nghìn tỷ đồng, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng... Thế nhưng việc phát triển quá nóng của thị trường này đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Trong số các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ 10 tháng đầu năm 2021, trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo chiếm 50,7%; trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49,3%.

Nóng bỏng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và lời cảnh báo từ bom nợ Evergrande - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong việc huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua

Trong số 300 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ từ đầu năm đến nay, tổ chức tín dụng phát hành lớn nhất, chiếm 35% tổng khối lượng phát hành. Doanh nghiệp bất động sản chiếm 32,5% khối lượng phát hành. Còn lại là các ngành thương mại dịch vụ, sản xuất và xây dựng

Đáng chú ý, hơn 100 doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trên 141.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tiếp tục tăng so với năm 2020 trong khi thị trường bất động sản gặp nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Một số doanh nghiệp phát hành với lãi suất cao trên 12%/năm. Hiện 1/3 số doanh nghiệp bđs đang có khối lượng phát hành trong kỳ lớn hơn vốn chủ sở hữu.

Đáng chú ý, có khoảng 20% trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong các ngành này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, hoặc không được thực hiện xếp hạng tín nhiệm độc lập.

Lời cảnh báo từ "bom nợ" Evergrande

Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã nghe nhiều thông tin về khủng hoảng nợ của Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc. Theo đó, đã có một số trái phiếu không thể thanh toán lãi đến hạn, ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Evergrande đã ôm trái bom nợ trị giá hơn 300 tỷ USD - tương đương khoảng 2% GDP Trung Quốc khi thanh khoản tín dụng và thị trường không còn như kỳ vọng.

Mô hình kinh doanh bất động sản của Evergrande cũng giống như phần lớn các công ty bất động sản của Trung Quốc, chủ yếu là việc xoay vòng nợ phải trả. Tập đoàn này đấu thầu mua quyền sử dụng các khu đất lớn, sau đó thiết kế lập dự án bất động sản để giao bán trước cho khách hàng.

Tiền đặt cọc của người mua sẽ dùng để xây dự án. Evergrande tiếp tục vay nợ dưới hình thức là vay ngân hàng và phát hành trái phiếu để đấu thầu các lô đất mới. Có đất rồi thì lại nhận tiền cọc của người mua để xây nhà. Nợ sẽ chỉ được trả khi bán được nhà.

Nóng bỏng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và lời cảnh báo từ bom nợ Evergrande - Ảnh 2.

"Bom nợ" Evergrande tại Trung Quốc là lời cảnh báo cho việc phát triển quá nóng thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam

Khi mà thị trường nhà đất đang phát triển nóng thì đây là một mô hình lý tưởng cho việc mở rộng đầu tư. Nhưng khi thanh khoản tín dụng và thị trường không còn như kỳ vọng thì đây là 1 "quả bom" nổ chậm trị giá 300 tỷ USD.

Trong đó khoảng 110 tỷ USD là nợ lãi vay liên quan tới trái phiếu phát hành bằng USD và đồng Nhân dân tệ, cùng với nợ phải trả từ các khoản lãi vay của ngân hàng. Còn lại khoảng 190 tỷ USD là các khoản nợ chiếm dụng vốn như là từ người mua trả tiền trước, nợ các nhà thầu xây dựng, cung ứng vật liệu… và nợ nghĩa vụ thuế.

Trong tổng số sợ này có khoảng 232 tỷ USD là nợ phải trả ngay trong năm 2021. Trong khi lượng tiền mà Evergrande đang nắm giữ chỉ khoảng 24 tỷ USD, bằng 1/10 khoảng nợ phải trả ngay trong năm nay.

Nhằm ngăn chặn việc các hãng phát triển bất động sản trở thành "bom nợ" thì từ tháng 8/2020, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Bộ nhà ở và phát triển thành thị nông thôn đã đưa ra 1 cách xếp hạng mới đối với các hãng phát triển bất động sản. Theo đó, các hãng có được tiếp cận tin dụng hay không phụ thuộc vào việc họ có vượt qua được "3 lằn ranh đỏ" của quản lý rủi ro tài chính. Đó là: Tỷ lệ tiền mặt/ Nợ ngắn hạn: >1; Tỷ lệ nợ/ Tổng tài sản: <70%; Tỷ lệ nợ/ Vốn chủ sở <100%.

Nếu hãng phát triển bất động sản vi phạm 3 tiêu chí trên thì sẽ bị liệt vào nhóm đỏ và không được phép tiếp cận hệ thống tín dụng của ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Điều này cho thấy giới chức Trung Quốc muốn các hãng bất động sản tập trung xử lý các tài sản tồn đọng và danh mục phải thu trước khi có thể thể tiếp cận các khoản vay mới để đầu tư các dự án mới.

Tại Việt Nam, thời gian qua khi giới hạn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản liên tục bị khống chế, thì việc phát hành trái phiếu được cho là cửa để các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn.

Người mua trái phiếu của doanh nghiệp lại thường là các ngân hàng, tổ chức tín dụng, được cho là cùng nằm trong hệ sinh thái kinh doanh. Nôm na, là tay phải bán cho tay trái khiến sức khỏe của doanh nghiệp không được phản ánh đúng bản chất.

Việc đưa ra quy định hạn chế các tổ chức tín dụng đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ có hiệu lực từ 15/1/2022. Cùng với đó Nghị định của Bộ tài chính để quản lý giám sát hoạt động và đối tượng đầu tư trái phiếu tiếp tục có hiệu lực. Và đây vẫn chưa phải là quy định cuối cùng từ phía các cơ quan quản lý thị trường để dòng vốn chảy vào các thị trường có tính rủi ro cao cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang "nóng bỏng" ra sao? Các rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp? Các giải pháp tăng cường quản lý giám sát thị trường và hạn chế rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiêp? Những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 2/12.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước