CNN dẫn thông báo của Microsoft cho biết: "Công ty ByteDance đã cho chúng tôi biết hôm nay là họ sẽ không bán các hoạt động của TikTok tại Mỹ cho Microsoft.Chúng tôi tự tin rằng đề xuất của mình sẽ tốt cho người dùng TikTok cũng như bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia.
Để làm làm được điều này chúng tôi sẽ thực hiện những thay đổi đáng kể để đảm bảo dịch vụ này đáp ứng được những tiêu chuẩn cao nhất về bảo mật, quyền riêng tư, an toàn trực tuyến và chống lại thông tin sai lệch. Chúng tôi đã nêu rõ những nguyên tắc này trong tuyên bố vào tháng 8 của mình".
Cả ByteDance và TikTok đều chưa có bình luận nào về thông báo này.
TikTok đã từ chối Microsoft
Thông báo bị từ chối của Microsoft đưa ra khi hạn chót lệnh cấm mà ông Trump áp cho TikTok đang đến rất gần. Nếu không bán cho một công ty Mỹ hoặc đạt thỏa thuận nào đó, TikTok sẽ phải ngừng hoạt động tại thị trường này kể từ ngày 15/9. Cách đây vài ngày, ông Trump khẳng định lập trường sẽ không gia hạn cho thương vụ này.
Chia sẻ với phóng viên hôm 10/9, Tổng thống Trump cho biết: "TikTok sẽ phải đóng cửa hoặc ByteDance sẽ bán TikTok. Sẽ không có việc gia hạn".
Microsoft là công ty đầu tiên xác nhận theo đuổi thỏa thuận mua lại phần của TikTok tại Mỹ, Úc, Canada và New Zealand từ đầu tháng 8. Một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới được xem là có đủ tiềm lực tài chính để đáp ứng cho một thương vụ đình đám này. Tuy nhiên, có vẻ như cả hai không đạt được thỏa thuận sau các bước đàm phán.
Hiện có nguồn tin cho biết Oracle đã được lựa chọn trúng thầu mua các hoạt động của của TikTok tại Mỹ. Nguồn tin cho biết, Oracle được công bố là đối tác công nghệ đáng tin cậy của TikTok tại Mỹ.
TikTok là ứng dụng đặc biệt phổ biến trong giới trẻ và hiện có khoảng 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới, cho phép người dùng tạo các video ngắn từ 15 giây đến 1 phút. Kể từ khi ra mắt năm 2016, ứng dụng đã được tải xuống hơn 2 tỷ lần, trở thành nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới.
Ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp, theo đó quy định các doanh nghiệp Mỹ có 45 ngày để ngừng hợp tác kinh doanh với ByteDance, qua đó ấn định thời hạn chót để ByteDance bán ứng dụng TikTok tại Mỹ cho một công ty Mỹ.
Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 28/8 đã công bố các quy định mới, bổ sung 23 danh mục, trong đó có "công nghệ sử dụng cho mục đích dân sự", vào danh sách kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu đối với các công nghệ thuộc diện bị hạn chế. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2008 Trung Quốc điều chỉnh danh sách các công nghệ bị cấm hoặc bị hạn chế xuất khẩu. Trong số 23 danh mục bổ sung vào danh sách trên có các công nghệ liên quan dịch vụ về thông tin cá nhân dựa trên phân tích dữ liệu và giao diện tương tác dựa trên trí tuệ nhân tạo. Việc phê duyệt sơ bộ để xuất khẩu đối với các danh mục này có thể mất tới 30 ngày. Giới chuyên gia Trung Quốc cho biết việc điều chỉnh quy định này đồng nghĩa công ty ByteDance sẽ phải xin Chính phủ Trung Quốc phê duyệt bán công nghệ của công ty này cho một công ty Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!