Chuyển đổi cây trồng phù hợp để gia tăng thu nhập đang là xu hướng ở nhiều địa phương, đặc biệt ở những nơi canh tác lúa kém hiệu quả. Cũng từ đây đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người nông dân. Việc liên kết giữa bà con với doanh nghiệp còn là điều kiện để bà con hướng đến sản xuất theo hướng an toàn.
Ông Nghiệp ở Tam Bình, Vĩnh Long được một công ty ở Cần Thơ thuê toàn bộ diện tích đất với số tiền là 35 triệu đồng/ha/5 năm. Sau đó, ông và vợ sẽ được công ty thuê lại để trồng khổ qua ngay trên mảnh đất đó thay vì trồng lúa như lúc trước.
Trên tinh thần cùng làm, cùng có lợi, phía công ty đầu tư lưới, màng phủ, giàn dây leo, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, cây giống và kĩ thuật. Còn những nông dân như ông Nghiệp, xã Phú Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long bỏ công chăm sóc, thu hoạch và sơ chế thành phẩm theo hướng dẫn của công ty.
Sau hơn 2 tháng trồng, khổ qua bắt đầu cho trái với năng suất ước đạt 30 tấn trái tươi/ha, tương đương 3 tấn trái khô. Cùng với trái, khổ qua rừng còn được thu mua cả dây để chế biến thành trà, thuốc dạng viên.
Trong lúc những hộ trồng lúa khác phải loay hoay với câu chuyện giá cả trồi sụt, với mô hình 3 trong 1, ông Nghiệp vẫn vui vẻ làm thuê. Chính vì thế trong tháng 8 tới, địa phương dự kiến sẽ thành lập HTX để đẩy mạnh mối liên kết ở mô hình sản xuất đặc biệt này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!