Sau khi nghe tin cơ sở thu mua nông sản tại địa bàn tuyên bố vỡ nợ, gần 1 tuần trôi qua, anh Hòa (xã K'Dang, Đăk Đoa, Gia Lai) vẫn chưa hết bàng hoàng. Toàn bộ 6 tấn hồ tiêu trị giá trên 1 tỉ đồng - thành quả lao động của cả gia đình trong cả năm - đã trở thành con số 0.
Gia đình anh Hòa chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân vụ vỡ nợ của doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Tỉnh chuyên kinh doanh nông sản tại địa phương. Theo khai báo ban đầu của doanh nghiệp này, tổng số nợ không còn khả năng chi trả lên đến hàng chục tỷ đồng.
Chuyện vì sao một đơn vị thu mua nhỏ lẻ nhưng lại nợ số tiền lớn không còn là mới. Để tạo dựng uy tín, trong vài năm, những đơn vị thu mua sẵn sàng chấp nhận lỗ, đến khi có đủ lòng tin với khách hàng và thu gom được lượng hàng lớn, họ tuyên bố vỡ nợ. Vì tin tưởng nên hầu hết giao kèo, hợp đồng ký gửi được ký kết sơ sài, thậm chí nhiều người chỉ cam kết bằng lời. Đây là cơ sở để những người thu mua có ý đồ chiếm đoạt dễ dàng thực hiện hành vi của mình.
Thiếu am hiểu luật pháp, nhẹ dạ trước những chiêu trò đánh bóng tên tuổi của các cơ sở thu mua nên nhiều nông dân dễ dàng trao cả khối tài sản của mình mà không lường hết những rủi ro có thể gặp phải. Bên cạnh đó, vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra sân chơi bình đẳng cho người trồng cà phê đến nay vẫn chưa hề phát huy tác dụng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online.