Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới còn rất phức tạp, dịch tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh do nhiều quốc gia đã kết thúc sớm chính sách hạn chế, cách ly trong khi chưa đánh giá hết nguy cơ lây lan của dịch. Một số quốc gia có dấu hiệu bùng phát dịch đợt 2.
Dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, thương mại toàn cầu. Các tổ chức quốc tế liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo âm 4,9% (thấp hơn 1,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó), Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo âm 5,2% là mức giảm lớn nhất từ cuộc đại suy thoái những năm 1930. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đều được dự báo tăng trưởng âm từ 5% - 10%, thương mại quốc tế giảm mạnh...
Trong 6 tháng đầu năm, nước ta cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch thành công vừa phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý, trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm, nước ta cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Đạt được điều này là nhờ có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, người dân và xã hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bằng các nghị quyết, nghị định, chỉ thị đề ra các giải pháp đúng đắn, kịp thời cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, nhiều quốc gia còn đang vật lộn với dịch bệnh và chưa thể có giải pháp hữu hiệu phục hồi nền kinh tế và có mức tăng trưởng âm, việc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 1,81%, tuy là thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, nhưng là đáng ghi nhận, nước ta nằm trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương.
Đáng chú ý, mặc dù tăng trưởng GDP đạt thấp, nhưng chúng ta đã duy trì được nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm yếu tố quyết định để phục hồi và phát triển trong giai đoạn sau khi kết thúc dịch. Một số chỉ tiêu chủ yếu dần phục hồi qua các tháng, tháng sau tích cực hơn tháng trước.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm dần, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,19%, lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng tăng 2,81% so với cùng kỳ. Tiền tệ, ngân hàng cơ bản ổn định, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thanh khoản thị trường được bảo đảm, mặt bằng lãi suất giảm ở cả ngắn hạn, trung và dài hạn, các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh. Cân đối thu chi ngân sách Nhà nước vẫn được bảo đảm.
Nước ta nằm trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có xu hướng phục hồi. Tính chung 6 tháng ước tăng 3,4% so với cùng kỳ, nhưng vẫn là mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua.
Sức mua của thị trường trong nước dần phục hồi sau khi các giải pháp kích cầu được triển khai mạnh mẽ, tuy nhiên, vẫn còn yếu do thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm và tâm lý tiết kiệm chi tiêu. Tính chung 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 5,3%.
Tình hình phát triển doanh nghiệp có tín hiệu khả quan. Trong tháng 6 số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thuộc các ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng bởi dịch và biện pháp giãn cách xã hội tăng cao so với tháng trước, như dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 24,6%), dịch vụ việc làm, du lịch và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 13,7%), vận tải kho bãi (tăng 11,6%).
Tuy nhiên, thách thức trong 6 tháng cuối năm còn rất lớn, cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, chính xác, kịp thời cùng sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị nhằm phục hồi và phát triển kinh tế nhanh hơn, giải quyết việc làm và an sinh xã hội cho nhân dân hiệu quả hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!