Đất nước Đan Mạch nhỏ bé chưa tới 6 triệu dân nhưng đứng thứ tư châu Âu về xuất khẩu thịt lợn. Thịt lợn Đan Mạch chiếm lĩnh được thị trường châu Âu là do có chất lượng cao và chi phí chăn nuôi thấp, nhờ công nghệ tự động gần như hoàn toàn trong các trang trại lợn.
Trại lợn Spottrup thực chất là một nhà máy. Lúa mì từ khu ruộng xung quanh chứa trong các bồn lớn có ống dẫn thẳng vào trại lợn 2.300 con. Các công việc trong trang trại đều do robot thực hiện. Robot hút ngũ cốc trong bồn chứa, qua đường ống, tới xưởng pha trộn thức ăn. Robot quyết định thời điểm xay trộn ngay trước giờ lợn ăn, rồi bơm thức ăn theo đường ống tới từng máng lợn.
Mỗi đường ống dẫn một loại thức ăn khác nhau cho lợn thịt, lợn nái, lợn đang nuôi con… Tới đúng giờ, thức ăn lỏng chảy vào máng, tùy theo số lượng lợn trong mỗi chuồng. Cám tươi dùng tới đâu xay trộn tới đó giúp đàn lợn lớn khỏe. Việc không có nhân công tham gia chế biến thức ăn giúp làm giảm nguy cơ dịch bệnh.
Công thức pha trộn thức ăn và lượng thức ăn được tính toán tối ưu tuỳ theo nhu cầu của từng giai đoạn phát triển của lứa lợn. Lợn mẹ cho con bú vẫn dùng cám lỏng, nhưng lợn con mới rời mẹ được nuôi bằng cám khô, cũng do robot pha trộn và chuyển theo đường ống.
Công nghệ cao áp dụng vào chăn nuôi giúp nông dân giảm chi phí nhân công, tiết kiệm vật tư và tăng chất lượng thịt. Tất cả những điều đó giúp nông dân Đan Mạch thu nhập tốt hơn nhiều so với nông dân của những nước khác ở châu Âu cũng đầu tư vào chăn nuôi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!