Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, đã có gần 209.000 người rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, con số này vào khoảng 37.000 người, tăng 1/5 so với cùng kỳ.
Ghi nhận lúc 9h sáng, tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức, dòng người xếp hàng dài từ cổng để lấy số thứ tự, trong sân và phòng chờ cũng chật kín.
Theo cơ quan quản lý nhà nước, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến người lao động cần tiền trang trải trước mắt, bên cạnh đó là do họ chưa hiểu đúng chính sách bảo hiểm xã hội.
Người dân đến cơ quan Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh thực hiện các thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội . (Ảnh: PLO)
Lúc còn trẻ đi làm đóng bảo hiểm xã hội là khoản tiền để dành cho tương lai lúc về già, nhưng nhiều người lại nhìn nhận đây như một khoản thu nhập sau khi nghỉ việc.
"Cuộc sống ai cũng có lúc gặp khó khăn, nhưng mong người lao động hãy tìm các cách giải quyết khác, đừng dùng khoản tiền để dành lúc về già của mình để tiêu xài lúc mình còn trẻ", ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Theo tính toán, với tuổi thọ trung bình 76 tuổi, một lao động nữ từ lúc nghỉ hưu đến lúc mất, nếu nhận quyền lợi hưu trí từ quỹ bảo hiểm xã hội, sẽ được tổng cộng khoảng 589 triệu đồng, nhưng nếu nhận bảo hiểm xã hội 1 lần thì chỉ được thanh toán khoảng 134 triệu đồng, thiệt thòi 455 triệu.
Đây trở thành vấn đề dân sinh cấp thiết với không chỉ ngành bảo hiểm xã hội, bởi chế độ hưu trí là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội ở bất kỳ quốc gia nào. Hiện khoản tiền để hưởng lương hưu lại được người dân ồ ạt rút một lần tiêu xài trước mắt, vài chục năm sau, gánh nặng an sinh sẽ rất nặng nề.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!