Trong động thái mới nhất, quốc gia xuất khẩu dầu số 1 thế giới Saudi Arabia đã tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng của nước này thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7. Nâng tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ từ tháng 10 năm ngoái lên tới gần 4,7 triệu thùng/ngày nhưng thị trường vẫn thờ ơ.
Trang báo Khaleej Times của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cho biết bước đi cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia đã nhanh chóng bị lu mờ bởi những nỗi lo về đà phục hồi của nền kinh tế. Các số liệu cho thấy ngành dịch vụ của Mỹ đã hầu như không tăng trưởng trong tháng 5. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn chậm hơn dự kiến, trong khi nguồn cung dầu từ các nước ngoài OPEC lại có chiều hướng tăng lên.
Cắt giảm sản lượng nhưng giá lại không thể lại không thể đẩy giá lên. Đây đã trở thành cơn đau đầu với các quốc gia OPEC+, đặc biệt là Saudi Arabia. Với bước đi cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày mới đây, Riyadh đã hạ sản lượng của mình xuống 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất của họ trong vòng 1 thập kỷ. Các tính toán cho thấy giá dầu phải tăng thêm 10 USD/thùng thì cũng mới chỉ đủ giúp Saudi Arabia bù đắp nguồn thu bị hụt mất do cắt giảm sản lượng.
Giá dầu những ngày qua vẫn trong xu thế đi xuống. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)
Saudi Arabia vẫn luôn nhấn mạnh họ sẵn sàng làm mọi thứ để bình ổn thị trường dầu. Nhưng rất có thể bước đi cắt giảm sản lượng mới nhất sẽ phải trả một cái giá không nhỏ. Theo một số trang báo, giới chức Saudi Arabia mới đây cũng đã phải thừa nhận sự biến động của giá dầu sẽ không như mong đợi của Bộ trưởng Năng lượng nước này - Hoàng tử Abdulaziz Bin Salman.
Hồi tháng 4, Saudi Arabia cũng đã tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng 500 nghìn thùng/ngày và bước đi ấy cũng đã không đẩy giá dầu lên được bao nhiêu.
Các bước đi cắt giảm sản lượng đã khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế quyết định cắt dự báo tăng trưởng của Saudi Arabia trong năm 2023 xuống còn 2,1%, hạ tới 1% so với dự báo hồi tháng 5. Tài sản ròng ở nước ngoài của Saudi Arabia cũng đã giảm xuống còn 410 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2010.
Tiếp tục chạy theo cắt giảm sản lượng những không thể đẩy giá dầu lên, trong khi điều này lại gây khó đối với đà hồi phục của nền kinh tế thế giới.
Một số trang báo đã gọi bước đi cắt giảm sản lượng mới nhất của Saudi Arabia là một canh bạc, có thể phản tác dụng. Đặc biệt trong bối cảnh một số khách hàng tiêu thụ dầu lớn của châu Á nay quay sang đang tìm kiếm những nguồn dầu giá rẻ từ Tây Phi, Nga hay Iran. Saudi Arabia có thể đang tự làm đánh mất đi thị phần của mình trên thị trường dầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!