Tập trung thu hút một số nhóm khách du lịch nhất định
Bắt đầu từ ngày 3/5, Thái Lan đã cho phép mở lại một số nhà hàng, quán cà phê hay tụ điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, chính quyền Bangkok vẫn thận trọng mở cửa theo chiến lược. Trước tiên, Xứ chùa vàng sẽ ưu tiên những du khách giàu có hơn là khách du lịch đại trà. Họ chủ yếu nhắm đến các du khách ở lại dài ngày, chi tiêu nhiều và hướng đến những khu nghỉ dưỡng cao cấp hơn là các khu du lịch bình dân.
Do đó các địa điểm du lịch được mở cửa trở lại hầu hết là những vùng đảo thu hút giới nhà giàu như Koh Samui, Koh Phangan hay thủ đô Bangkok thay vì mở cửa đồng loạt lại toàn ngành.
Mở cửa một số khu vực nhất định cho du khách nước ngoài
Thái Lan hiện vẫn cấm khách du lịch quốc tế cho đến tận cuối tháng 5 và sẵn sàng cách ly trở lại nếu tình hình dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên, họ cũng đang cân nhắc mở cửa một số khu vực nhất định với du khách nước ngoài, điều này có nghĩa rằng du khách sẽ tới du lịch tại một khu biệt lập như 1 hòn đảo chẳng hạn.
"Điều này sẽ có lợi cho cả khách du lịch và người dân địa phương, vì đây gần giống như một loại hình du lịch cách ly", Bộ trưởng bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan, Yuthasak Supasorn cho hay.
Tuy nhiên sức thu hút của các ý tưởng trên còn phụ thuộc vào chính sách của các nước
"Dịch COVID-19 khiến ngành du lịch Thái Lan chuyển hướng tập trung vào chất lượng hơn là số lượng", Cục Du lịch Thái Lan tuyên bố.
Trong tháng 3, lượng khách du lịch quốc tế của Thái Lan đã giảm 76,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chuyên gia cho rằng khả năng phục hồi ngành du lịch của Thái Lan sẽ phụ thuộc khá nhiều vào du khách Trung Quốc khi từ trước đến nay, đây vẫn là nguồn khách lớn cho xứ sở loài voi.
Theo các khảo sát từ những hãng môi giới du lịch Trung Quốc, Thái Lan là một trong những địa điểm đến được ưa thích nhất của các du khách sau khi lệnh cách ly vì dịch COVID-19 được nới lỏng. Những trung tâm du lịch nổi tiếng như Bangkok, Phuket, Chiang Mai… vẫn thu hút được sự quan tâm của bộ phận không nhỏ tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
Hàng năm, du khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng số khách quốc tế đến Thái Lan. Bởi vậy với việc Trung Quốc nới lỏng cách ly trở lại có thể là yếu tố tích cực cho Thái Lan thúc đẩy lại ngành du lịch vốn đã chịu tổn thương nặng sau dịch Covid-19.
Khu phố tàu Chinatown ở Thái Lan
Dẫu vậy, chính quyền Bangkok vẫn rất dè chừng bởi nguồn khách Trung Quốc có thể làm bùng phát đợt lây lan thứ 2 nếu không được kiểm soát tốt.
Khởi động các chiến dịch kích cầu du lịch nội địa
Chiến lược tập trung vào nguồn khách nội địa lúc này sẽ góp phần giảm bớt nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Năm ngoái, du khách trong nước của Thái Lan đạt 135 triệu lượt người du lịch, một con số đầy tiềm năng. Do đó, Hội đồng Du lịch Thái Lan đang chuẩn bị khởi động chiến dịch "We Love Thailand" (Chúng tôi yêu Thái Lan), hợp tác với Bộ Du lịch và thể thao cùng Tổng cục Du lịch Thái Lan để kích cầu du lịch nội địa sau khi dịch Covid-19 khiến hoạt động du lịch gần như đóng băng.
Ý tưởng của chiến dịch là "lôi kéo" du khách tới những cộng đồng địa phương với các trải nghiệm độc đáo như lên núi, về quê trồng lúa hay giã gạo trốn dịch. Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, tâm lý của nhiều khách du lịch là muốn tìm đến những địa điểm không có dịch bệnh, thường là các cộng đồng địa phương.
Các gói "du lịch không dịch bệnh" như vậy dự kiến sẽ được tung ra trong quý cuối cùng của năm, thời điểm mà du khách phương Tây thường tìm kiếm những nơi ấm áp hơn để nghỉ dưỡng.
Chiến dịch như "We Love Thailand" còn giúp tập hợp các doanh nghiệp cùng góp sức hỗ trợ để cứu chính mình. Điển hình như Tập đoàn khách sạn Dusit International đã cam kết hỗ trợ cho các cộng đồng địa phương như Ban Pha Bong tại Mae Hong Son – một tỉnh miền núi phía bắc Thái Lan nổi tiếng là địa điểm du lịch trải nghiệm cho những du khách yêu thích thiên nhiên.
Trải nghiệm du lịch gần gũi với thiên nhiên tại Mae Hong Son, Thái Lan
Giảm giờ làm cho người dân để thúc đẩy du lịch nội địa
Trong thông báo đưa lên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đề nghị những người sử dụng lao động cân nhắc cho nhân viên làm việc 4 ngày/tuần để mọi người có nhiều thời gian đi du lịch và tăng chi tiêu.
"Tôi nghe nhiều người gợi ý rằng chúng ta nên làm việc 4 ngày một tuần. Điều này phụ thuộc vào những người sử dụng lao động và người lao động. Chúng ta đã học được rất nhiều điều từ dịch Covid-19 trong đó có khả năng thích ứng khi mọi người có thể làm việc tại nhà mà vẫn đảm bảo năng suất. Vì vậy tôi khuyến khích mọi người nghĩ về khả năng này bởi nếu làm được thì sẽ thúc đẩy du lịch nội địa", Thủ tướng Ardern nhận định.
Hành lang du lịch
Ý tưởng "hành lang du lịch" là sự kết nối dựa trên mức độ tương đồng về tình hình dịch bệnh ở các địa điểm. Trong ngắn hạn, đây sẽ là giải pháp chung cho ngành du lịch tại nhiều khu vực. New Zealand đã bắt tay với Australia tạo nên một "hành lang du lịch" trong vài tháng tới, cho phép du khách có thể đi lại thoải mái giữa hai nước.
Vịnh Milford Sound, New Zealand
Châu Âu cũng đề xuất thành lập "hành lang xanh" giữa các quốc gia có tỷ lệ lây nhiêm thấp hoặc sụt giảm số ca COVID-19. Hiện nay Estonia, Latvia và Lithuania đã thông báo mở cửa biên giới nội địa cho công dân 3 nước kể từ ngày 15/5. Đây là nỗ lực của lục địa già nhằm hỗ trợ ngành kinh tế quan trọng là du lịch, chiếm 10% GDP khối và thuê tới 50 triệu lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!