Để thúc đẩy giải ngân, năm nay, kế hoạch vốn đã sớm được phân bổ chi tiết. Tính đến hết tháng 1, cả nước đã phân bổ trên 90% vốn đầu tư công theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, với giá trị hơn 638.600 tỷ đồng. Việc này nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng về việc đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Năm nay, ngành giao thông vận tải được giao hơn 94.100 tỷ đồng vốn đầu tư công, gấp 1,7 lần năm 2022 và là con số lớn nhất từ trước đến nay.
"Từ những ngày cuối tháng 12/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung rà soát và phân bổ nguồn vốn này tới các chủ đầu tư. Việc này là tiền đề quan trọng để các chủ đầu tư căn cứ vào số lượng vốn được giao và bắt tay ngay vào lập kế hoạch để triển khai thực hiện", ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết.
Công trường thi công cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh: Đảng cộng sản)
Với số vốn đầu tư công được giao rất lớn, tính trung bình mỗi tháng sẽ cần phải giải ngân hơn 7.800 tỷ đồng, theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, đây là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, có sự chuẩn bị để khắc phục các yếu kém chỉ ra từ trước sẽ là tiền đề để giải ngân tối đa nguồn vốn này.
"Có kế hoạch giải ngân từng tháng cho từng dự án, phân công các cán bộ có trách nhiệm bám sát, vừa bám sát kế hoạch, vừa bám sát trên công trường, thường xuyên kiểm tra giám sát cũng như nắm bắt các vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền của các chủ đầu tư để kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ giải quyết, ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết thêm.
Năm nay, vốn đầu tư công của ngành giao thông được giao nhiều nhất dành cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, chiếm 48%; tiếp theo là các dự án giao thông trong nước khác, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, các dự án ODA và các dự án trọng điểm, cấp bách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!