Phấn đấu vươn lên thứ 2 ASEAN về quy mô GDP, sớm có thu nhập trung bình cao

VGP News-Chủ nhật, ngày 28/03/2021 17:45 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển KT-XH hội 10 năm 2021 - 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025.

VTV.vn - Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng đến mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi giới thiệu chuyên đề về Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021 - 2025) trong ngày làm việc thứ 2 (ngày 28/3) Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Về thực hiện Chiến lược, phải trả lời "câu hỏi chúng ta đang ở đâu", trước hết, Thủ tướng nhấn mạnh kết quả đạt được hôm nay là quá trình phấn đấu của nhiều thế hệ, nhất là sau 35 năm đổi mới.

Việt Nam có thể đứng thứ 2 ASEAN về quy mô kinh tế

Thủ tướng vui mừng cho biết quy mô nền kinh tế Việt Nam trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 trong ASEAN. GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 3.500 USD, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

Độ mở của nền kinh tế đạt khoảng 200% GDP và Việt Nam là một trong những nước có độ mở kinh tế cao nhất thế giới. Như vậy Việt Nam đã có thứ hạng nhất định trên thế giới. Việt Nam thiết lập quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với trên 224 nước, vùng lãnh thổ.

Tăng trưởng kinh tế bình quân 10 năm 2011-2021 đạt 5,95%. Nhiều công trình, nhà máy được đầu tư từ các nguồn lực khác nhau. Trong 5 năm qua, chúng ta đầu tư xây dựng 62 nhà máy chế biến, khắc phục cơ bản tình trạng được mùa mất giá. Bên cạnh đó, chúng ta không chỉ quan tâm phát triển đô thị, nơi tập trung người giàu, người khá giả, nhà đầu tư mà phát triển cả vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Chúng ta không để ai đói cơm, lạt muối, màn trời chiếu đất do thiên tai. "Tôi đã vào một số nhà của bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, tài sản của họ còn ít ỏi. Họ làm lụng, tích lũy được 10 - 20 năm thì một trận lũ là cuốn đi hết. Chúng ta thấu hiểu vấn đề này để giải quyết", Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, nền kinh tế trong nước nhiều tiềm ẩn rủi ro, độ mở lớn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. "Đầu nhiệm kỳ là Formosa và cuối nhiệm kỳ là Corona", Thủ tướng ví von về những thách thức trong nhiệm kỳ qua.

Nêu một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại, Thủ tướng cũng đặt vấn đề, nước ta có thể đứng thứ nhì ASEAN hay không về quy mô nền kinh tế và nhấn mạnh "khả năng này có thể đạt được nếu chúng ta quyết tâm".

Tiếp tục quán triệt về một số dung trọng tâm của Chiến lược 10 năm và Phương hướng 5 năm, Thủ tướng nêu rõ khát vọng phát triển đất nước phải đến từng người dân, đến cơ sở thì mới thành công. Chúng ta không phấn đấu các mục tiêu trên thì đất nước lạc hậu.

Với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng đến mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao với tất cả thay đổi cách nghĩ, cách làm, "chứ không phải bổn cũ chép lại".

Về 5 quan điểm phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. "Vừa rồi, qua việc tổ chức "Đối thoại 2045" thì thấy khát vọng của giới doanh nghiệp, trí thức rất lớn", Thủ tướng nói.

Chúng ta cần xây dựng nền kinh tế tự chủ, mặc dù hội nhập sâu rộng nhưng chúng ta không phụ thuộc vào bất cứ nước nào. Coi trọng thị trường trong nước. Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, Thủ tướng nhấn mạnh, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng trong mỗi trái tim chúng ta.

"Cán bộ, đảng viên đều có nguyện vọng đưa đất nước tiến bước. Đây là truyền thống quý, không chịu đói nghèo, không chịu tụt hậu, không chịu thua kém. Tất cả điều đó cũng là sự hiện thực hóa ước nguyện của Bác Hồ, đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu và mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân", Thủ tướng nói.

Chiến lược xác định 11 chỉ tiêu, trong đó có 7 chỉ tiêu kinh tế, 4 chỉ tiêu môi trường. Theo Thủ tướng, áp lực đối với chúng ta là phải liên tục tăng trưởng cao. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc có 2 - 3 thập niên liền liên tục tăng trưởng cao. Việt Nam hoàn toàn có khả năng tăng trưởng cao và nếu không có biện pháp để tăng trưởng cao thì chúng ta sẽ tụt hậu, phát triển không bền vững, thu nhập thấp, lạc hậu. Vì vậy, chúng ta phải đi trước đón đầu, quyết tâm chính trị cao, ý chí dân tộc và khát vọng phát triển trong mọi người dân, cơ sở trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu. Tăng trưởng cao liên tục trong mấy thập kỷ là điều cần thiết và năm nay, chúng ta phấn đấu tăng 6 - 6,5%, sang năm có thể là 7%, nhưng sắp tới phải đạt mức tăng GDP 8 - 9% bình quân/năm. Con số này đòi hỏi chúng ta phấn đấu và quyết tâm mạnh mẽ.

Không chỉ kinh tế, chúng ta còn tập trung những chỉ tiêu quan trọng về xã hội và môi trường. Lấy ví dụ tuổi thọ bình quân người dân phấn đấu là 74,5 tuổi vào năm 2025 và 75 tuổi vào năm 2030, nhưng Thủ tướng lưu ý "đừng để tình trạng chưa giàu đã già". Hiện nay chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng, là lợi thế để thu hút đầu tư, đưa đất nước tiến lên.

Nói về chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định khoảng trên 43% diện tích gắn với nâng cao chất lượng rừng, Thủ tướng chia sẻ: "Chương trình Vì một Việt Nam xanh đang được phát động, mọi tỉnh, thành phố đều phát động trồng cây từ nhiều nguồn xã hội, ngân sách. Thủ tướng hoan nghênh việc phát động trồng cây trong lực lượng quân đội gần đây cũng như hoan nghênh tỉnh Bến Tre là tỉnh đầu tiên hưởng ứng phát động trồng 1 tỷ cây xanh và nhiều tỉnh thành như Phú Yên, Tuyên Quang".

Về các bài học thành công, Thủ tướng cho rằng, bài học bao trùm nhất là bài học về "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết" toàn dân tộc.

Phấn đấu vươn lên thứ 2 ASEAN về quy mô GDP, sớm có thu nhập trung bình cao - Ảnh 1.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm

Về các giải pháp trọng tâm của Chiến lược, Thủ tướng cho rằng đây là những lĩnh vực cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới, bao quát những vấn đề trọng tâm nhất của đất nước, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong triển khai. Cần có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, biết làm, không vụ lợi cá nhân, nếu không có cơ chế bảo vệ này thì khó có thể phát triển đất nước do bệnh máy móc.

Nhấn mạnh vai trò của thể chế, Thủ tướng nhắc lại lời của Bác Hồ trong "Bản yêu sách đối với chính quyền thực dân Pháp" năm 1919, trong 8 yêu sách thì yêu sách thứ 7, Bác viết: "Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền". Theo kinh nghiệm quốc tế, đây chính là yếu tố quan trọng nhất tạo động lực cho phát triển. Trong thành công hay thất bại có nguyên nhân là do chủ trương, thể chế.

Thủ tướng nhắc lại nguyên tắc 1 luật cố gắng có 2 nghị định là nhiều nhất, 1 nghị định có không quá 1 thông tư và ban hành 1 văn bản thì phải hủy văn bản cũ, "không để tình trạng một rừng văn bản khiến người dân, doanh nghiệp, cơ sở không biết vận dụng thế nào".

Cần công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng đất công, tài sản công

Thủ tướng nêu rõ, coi đất đai là tài nguyên, nguồn tài sản lớn nhất, cần sớm được quản lý, sử dụng, huy động nguồn lực này hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế xã hội vì thất thoát đất đai của chúng ta sau 35 năm đổi mới và nhất là trong 10 năm trở lại đây còn lớn.

"Trong suốt thập kỷ qua, chúng ta đã dày công kiên trì mục tiêu ưu tiên bảo đảm ổn định vĩ mô và đạt được kết quả rất quan trọng, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục kiên định, củng cố vững chắc hơn nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này", Thủ tướng nói và nhấn mạnh tinh thần "bắt kịp, tiến cùng, vượt lên trong một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới". Đây là yêu cầu đối với địa phương, các ngành, cơ sở, chứ không trung bình chủ nghĩa, "tinh thần là các địa phương không cam chịu đói nghèo". Hiện mới có 14 - 15 tỉnh tự cân đối ngân sách, "các địa phương phải phấn đấu tự trang trải, nộp ngân sách Trung ương". Đây cũng là khát vọng vươn lên.

Nói về khát vọng, Thủ tướng nhắc lại câu chuyện về tấm gương của cụ Đỗ Thị Mơ, hơn 80 tuổi, người liên tục 2 năm liền đạp xe lên UBND xã để nộp đơn "xin thoát nghèo".

Không thành kiến với doanh nghiệp tư nhân

Về nội dung cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng lưu ý đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp này; xử lý cơ bản các yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, chống tham nhũng, "sân trước sân sau" trong doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, phấn đấu có càng nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, để đến năm 2030, Việt Nam có những tập đoàn hàng đầu khu vực. "Chúng ta không thành kiến mà tạo điều kiện bình đẳng để doanh nghiệp tư nhân phát triển", Thủ tướng nói. Đặc biệt, chúng ta phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân vươn ra toàn cầu và có thương hiệu lớn. Những gì Nhà nước không cần làm thì để xã hội làm, Nhà nước không "ôm đồm" hết tất cả.

Thủ tướng cho rằng chúng ta có 4 cuộc cải cách lớn, đó là: Cải cách giáo dục, cải cách tiền lương, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Thời gian tới, chúng ta tiếp tục chỉ đạo thực hiện 4 cuộc cải cách này đến thành công.

Cuối cùng, về khâu tổ chức thực hiện Chiến lược, Thủ tướng nêu rõ, đây là khâu quan trọng nhất. "Chủ trương 1, biện pháp 10, kế hoạch 20, đôn đốc thực hiện kiểm tra quyết liệt thì mới thành công. Nghị quyết có hay, chiến lược có tốt, có đúng mà tổ chức thực hiện kém, không quyết liệt, không linh hoạt điều hành thì Nghị quyết và chiến lược không đi vào cuộc sống. Chúng ta cần hiểu tổ chức thực hiện là cả hệ thống chính trị chứ không phải chỉ các cấp chính quyền", Thủ tướng nhấn mạnh.

Lấy thí dụ, "hai địa phương có điều kiện giống nhau nhưng có địa phương phát triển mạnh mẽ, cả số lượng, chất lượng sản phẩm, nhưng có địa phương lại không làm được bao nhiêu, cứ vẫn như cũ, không thay đổi, cứ từ từ, cứ họp thường vụ suốt mà không có sản phẩm gì", Thủ tướng nhắc nhở phải đặc biệt chú trọng việc đôn đốc tổ chức thực hiện.

'Nếu không tăng trưởng cao liên tục, chúng ta sẽ tụt hậu' "Nếu không tăng trưởng cao liên tục, chúng ta sẽ tụt hậu"

VTV.vn - Việt Nam hoàn toàn có khả năng tăng trưởng cao, nếu không có biện pháp để tăng trưởng cao thì sẽ tụt hậu, không phát triển bền vững, nghèo, thu nhập thấp, lạc hậu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước