Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 5 năm qua, thu nhập bình quân của công nhân lao động cả nước đã tăng 35%. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm gần 32 triệu lao động từ 15 tuổi trở lê bị ảnh hưởng, trong đó, số lao động bị giảm thu nhập là khoảng 70%. Lao động phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên là gần 40% và lao động buộc phải tạm nghỉ, hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, là khoảng 14%.
Những con số biết nói trên cho thấy nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đến cuộc sống của đa số công nhân lao động. Do đó, khó khăn là điều không thể tránh khỏi.
Thông thường, phải 9 - 10h tối, xóm trọ tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh mới lên đèn, nhưng mới chiều, cả khu đã đông đúc - một sự bất thường chưa từng có tiền lệ.
Hết giờ làm việc chính, anh Ánh (lao động tự do quê Quảng Ngãi) lại tranh thủ chạy xe kiếm thêm thu nhập.
"Nhiều phòng trả về quê hết rồi. 3 - 4 phòng ở trong này nữa. Vì không có việc nên người ta trả phòng về quê hết rồi", bà Ngô Thị Bảy, quản lý dãy nhà trọ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Các phòng trống đã ngày càng dày thêm khi những công nhân không còn khả năng bám trụ lại thành phố. Số người ở lại tuy vẫn nhiều hơn nhưng là cả một sự thách thức.
"Do ảnh hưởng của dịch nên mã hàng liên tục bị chuyển đổi, toàn đơn hàng ngắn chứ không có dài như năm trước. Hiện nay, lương rất thấp do không tăng ca", chị Phùng Thị Kim Loan, công nhân quê Bình Định, chia sẻ.
Lương thấp, nhưng cần cù bù khó khăn. Suốt 3 tháng không có thu nhập do dịch bệnh, hiện dù công việc đã trở lại, nhưng tiền công cũng chỉ còn phân nửa so với trước. Hết giờ làm việc chính, anh Ánh (lao động tự do quê Quảng Ngãi) lại tranh thủ chạy xe kiếm thêm thu nhập. Một ngày đóng liền mấy vai, anh tự nhận mình là thợ đụng.
Mất việc khiến nhiều lao động trở nên mất phương hướng.
"Đụng việc gì làm việc đó thôi. Ví dụ như bây giờ mình ra ngoài đường chạy xe ôm hay bán vé số, phụ cà phê, chứ giờ không có bài toán thì sao mình đủ chi tiêu", anh Võ Văn Ánh bày tỏ.
Đời làm công nhân, ai cũng có bài toán chi tiêu cụ thể, nhưng bài toán ấy đã không có lời giải với Tú từ nhiều tháng nay.
"Ngày nào em cũng đi xin việc, có khi tối em còn phụ đi bán cà phê trang trải tiền nhà trọ nữa. Cũng có những công ty người ta nhận nhưng lương thấp, tính theo tiếng chứ không có lương tháng", anh Nguyễn Thanh Tú, công nhân thất nghiệp quê Quảng Nam, cho biết.
Mất việc đã khiến nhiều lao động trở nên mất phương hướng, biến họ trở thành một vận động viên chạy marathon bất đắc dĩ trên những chặng đua chưa gắn vạch đích.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!