Sáng nay (3/11), Trung tâm WTO và hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo tham vấn "Rà soát pháp luật Việt
Nam với các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập
khẩu".
Cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương
(TPP), EVFTA dự kiến sẽ tạo ra những tác động lớn tới pháp luật và thể
chế chính sách Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có các thủ tục
xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Trên thực tế, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập
khẩu đang là lĩnh vực cải cách được Chính phủ đặc biệt chú trọng thời
gian qua, nhằm khắc phục những vướng mắc
ảnh hưởng tới thời gian thông qua cũng như dòng lưu
chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu ở nước ta hiện nay.
Tại hội thảo, ông Phạm Thanh Bình - Nguyên Cục trưởng Cục giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) - đã trình bày kết quả sơ bộ rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ông Phạm Thanh Bình - Nguyên Cục trưởng Cục giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan)
Theo ông Phạm Thanh Bình, pháp luật Việt Nam về cơ bản đã có nhiều nội dung tương thích với các cam kết EVFTA. Trong đó, kết quả cho thấy 16 nội dung hoàn toàn tương thích với các cam kết như: cam kết hợp tác với các bên trong quản lý chuyên ngành; giải phóng hàng nhanh; nộp tờ khai điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin và trao đổi dữ liệu điện tử; công khai về phí và lệ phí; thủ tục khiếu nại...
Đồng thời, 4 nội dung đã tương thích một phần với các cam kết bao gồm: cam kết vừa đảm bảo quản lý Nhà nước vừa tạo thuận lợi cho thương mại; cam kết không phân biệt đối xử trong quản lý chuyên ngành; cam kết áp dụng các phương pháp quản lý hiệu quả; thủ tục rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa hoàn toàn tương thích như: cam kết áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại; đơn giản hóa thủ tục; áp dụng quản lý rủi ro; áp dụng chế độ kiểm tra sau thông quan trong quản lý chuyên ngành.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - cho
biết: "Đây là dự án rà soát có mục
tiêu xa, để cùng các cơ quan Việt Nam và các doanh nghiệp góp tiếng nói
vào quá trình hoàn thiện thể chế, pháp luật. Điều này không chỉ để phù
hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam mới có trong thời gian qua, mà
còn nhằm hoàn thiện tốt nhất môi trường kinh doanh, thể chế kinh tế. Từ
đó, Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội từ quá trình hội nhập. Đó
là các cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức".
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập
"Bên cạnh
đó, dự án còn được thực hiện với mong muốn tăng cường sự tham gia của
cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hình thành, hoạch định,
hoàn thiện chính sách kinh tế, pháp luật trong nước và quốc tế. Đồng
thời, dự án cũng phổ biến, tuyên truyền cho các doanh nghiệp ở Việt Nam
về những cam kết mới. Quan trọng hơn, họ có thể hiểu rõ về quyền của
mình trong các cam kết mới", bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!