Chứng khoán Mỹ đi xuống sau phát biểu Chủ tịch FED
Phiên đêm qua (7/3), theo giờ Việt Nam, không ngoài dự đoán, các biến động của Phố Wall đều đã xoay quanh những phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell trước Quốc hội nước này.
Kết phiên, cả 3 chỉ số chính đều đã quay đầu giảm hơn 1%, dẫn đầu là chỉ số công nghiệp Dow Jones với mức giảm gần 600 điểm, tương đương khoảng 1,7%; S&P 500 giảm 1,53%; NASDAQ giảm 1,25%.
Đồng thời, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm cũng đã vọt lên mức cao nhất trong hơn 15 năm qua.
Chứng khoán Mỹ giảm sau phát biểu Chủ tịch FED. (Ảnh: Reuters)
Đà bán tháo của thị trường đã tăng mạnh sau phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ của ông Powell, trong đó vị Chủ tịch FED tiếp tục đề cập khả năng sẽ phải nâng lãi suất mạnh hơn trong thời gian tới để kiềm chế lạm phát dai dẳng.
"Dù lạm phát đang dần được kiểm soát trong những tháng gần đây, con đường đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% vẫn còn dài và sẽ rất gập ghềnh. Với những dữ liệu kinh tế mới cao hơn dự báo, lãi suất sau cùng cũng nhiều khả năng sẽ cao hơn mức dự kiến trước đây. Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ sẵn sàng đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất", Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nhấn mạnh.
Nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái
Với những phát biểu như trên của ông Powell, không ngạc nhiên khi phố Wall đã phản ứng với nhiều biến động giao dịch. Dù đã dự đoán trước được các bước đi mạnh tay tiếp theo của FED do lạm phát vẫn còn dai dẳng, nhưng các nhà đầu tư vẫn bị bất ngờ khi đó lại là khẳng định của người đứng đầu cơ quan có vai trò như Ngân hàng Trung ương Mỹ.
"Thẳng thắn", "quá cứng rắn", "quá diều hâu"... là những từ báo chí Mỹ dành cho phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong phiên điều trần vừa qua. Dù biết nó là phù hợp với vai trò của FED, phù hợp tình cảnh lúc này, nhưng thị trường vẫn bị sốc.
Trang Bloomberg cho biết lời cảnh báo đầy tính "diều hâu" (cứng rắn) của Chủ tịch FED về việc có thể tăng tốc nâng lãi suất đã khiến phố Wall buộc phải thay đổi suy nghĩ. Lindsay Rosner, Giám đốc của Quỹ đầu tư PGIM, nghi ngại: "Tới giờ họ (FED) mới tăng 25 điểm cơ bản một lần, nếu họ quay về mức 50 điểm, ai dám chắc họ sẽ không tăng ở mức 75 điểm?. Đây là một gáo nước lạnh!".
Hãng thông tấn Reuters đăng tải bình luận của các chuyên gia như Michael Brown từ TraderX, Anh Quốc: "Một tuyên bố diều hâu đáng ngạc nhiên từ Chủ tịch FED, dẫn tới khả năng sẽ tăng 50 điểm cơ bản cho tháng 3, đồng thời thể hiện sự thất vọng về tiến độ hạ nhiệt của lạm phát".
Còn đại diện Quỹ Dakota Wealth của Mỹ cho rằng: "Đây không phải là điều thị trường không biết, nhưng ông Jerome đã không chọn cách nói nhẹ nhàng. Nó làm thị trường lại lo với câu hỏi thường trực: FED sẽ tăng bao lần nữa? Và giữ lãi suất cao trong bao lâu?".
Lời cảnh báo đầy tính "diều hâu" (cứng rắn) của Chủ tịch FED về việc có thể tăng tốc nâng lãi suất đã khiến phố Wall buộc phải thay đổi suy nghĩ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Những câu hỏi này ngay chính FED cũng không thể trả lời được vào lúc này, bởi như ông Powell có nói, vẫn phải dựa trên các số liệu kinh tế cập nhật. Ngay lúc này, người ta chỉ có thể dự đoán, nếu FED mạnh tay tiếp, thì kinh tế Mỹ sẽ ra sao?
CNBC bình: "Các quan chức FED dường như đang mắc kẹt trong chuyện làm cho nền kinh tế hạ cánh mềm và các nghi ngờ ngày càng tăng. Ngân hàng Bank of America (BofA) là một ví dụ. Ngân hàng này cho rằng lãi suất chủ chốt có thể lên mốc 6% và suy thoái kinh tế là hậu quả dễ xảy ra nhất.
Trong sách trắng của FED Cleveland, Ohio có viết: "Ngân hàng Trung ương (FED) lấy mục tiêu đưa lạm phát về 2%, nhưng lạm phát lõi chỉ có thể về mức 2,75% trước 2025 và một cuộc suy thoái sâu là cần thiết để FED đạt được mục tiêu này".
Chuyên trang Investopedia giải thích tại sao suy thoái "giúp" FED trong chống lạm phát. Đó là khi lạm phát ở trên mốc mục tiêu quá lâu (lạm phát đình trệ), một tình huống mà lạm phát lớn và thất nghiệp cao cùng xảy ra. Khi đó Ngân hàng Trung ương chỉ có thể chấm dứt bằng thắt chặt tiền tệ quyết liệt để giảm áp lực giá cả và giảm tổng cầu của nền kinh tế. Đó cũng là lúc dẫn tới một cuộc suy thoái.
Các tổ chức kinh tế dự đoán, nếu xảy ra suy thoái, thì đó sẽ là cuộc suy thoái "lăn" với nền kinh tế Mỹ, nghĩa là các ngành kinh tế lần lượt suy giảm, thay vì suy giảm toàn phần cùng một lúc. Bởi lãi suất cao sẽ khiến vay mua nhà khó hơn, nợ mua nhà, nợ sinh viên phình ra, kinh doanh gặp khó. Khi đó, chi tiêu tiêu dùng, động lực chính của nền kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu suy giảm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!