Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2050 dự kiến được xây dựng khoảng 18 tháng, đến quý I/2019 sẽ trình thẩm định, phê duyệt. Quy hoạch sẽ tập trung trí tuệ, tâm huyết của các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Một trong những nội dung thảo luận quan trọng tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL. Các nhà quản lý, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, bàn các giải pháp cụ thể về vấn đề chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội, thủy lợi, quản lý tổng hợp nguồn nước, phát triển nông nghiệp bền vững…
Tạo khung chiến lược toàn diện
Theo Bộ KH&ĐT, hiện tại có hơn 2.500 quy hoạch vùng ĐBSCL. Số lượng quy hoạch quá nhiều dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu liên kết và đồng bộ. Hầu hết các quy hoạch chỉ chú trọng giải quyết vấn đề cục bộ của ngành, địa phương, không đặt trong tổng thế phát triển vùng. Bên cạnh đó, các quy hoạch còn dàn trải, không gắn với nguồn lực, chưa giải quyết được các thách thức và rủi ro do hoạt động phát triển, BĐKH và thiên tai. Đặc biệt, liên kết vùng còn yếu và thiếu cơ chế quản lý vùng.
Định hướng xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định mục tiêu tạo ra một khung chiến lược toàn diện cho vùng ĐBSCL làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cầu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất, khai thác hiệu quả các nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của ĐBSCL trong điều kiện BĐKH và xâm nhập mặn.
Định hướng quy hoạch có quan điểm tổng thể phát triển vùng ĐBSCL theo hướng thích ứng với BĐKH, vận hành theo quy luật tự nhiên và phát huy các giá trị của hệ sinh thái bản địa. Chiến lược quy hoạch vùng dựa trên 2 trụ cột là nông nghiệp và thủy sản. Trong đó, xây dựng chiến lược sử dụng nước chủ động của toàn vùng, giải quyết đồng bộ các vấn đề: Thủy lợi, cấp nước, thoát nước, trữ nước, bảo vệ và phục hồi nước ngầm. Quy hoạch cũng định hướng thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp bảo đảm an ninh lượng thực, sang phát triển kinh tế nông nghiệp có năng suất và giá trị cao; củng cố phát triển các liên kết chuỗi, liên kết vùng. Đồng thời, phát triển hệ thống hạ tầng, tạo động lực cho phát triển vùng, chủ động thích ứng với BĐKH.
Để xây dựng quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL, dự kiến, quý I/2018 sẽ tuyển chọn xong tư vấn quốc tế có năng lực và kinh nghiệm về vùng ĐBSCL hoặc các vùng khác có điều kiện tương tự. Thời gian lập quy hoạch dự kiến khoảng 18 tháng, đến quý I/2019 sẽ trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch.
Thực tế đã chứng minh, nhiều địa phương ở các vùng ngập mặn đã thay đổi cơ cấu sản xuất từ hai vụ lúa sang một vụ lúa/một vụ tôm/cá và thích nghi tốt với BĐKH, bảo đảm đời sống của người dân mà không tốn quá nhiều chi phí đầu tư ngăn mặn.
Các nhà khoa học hiến kế
Bàn về vấn đề chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL, TS. Hoàng Ngọc Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển kinh tế (Hội Khoa học kinh tế Việt Nam) cho rằng, cần thay đổi tư duy về an ninh lương thực. TS. Hoàng Ngọc Phong đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta phải trồng những giống lúa chất lượng thấp để xuất khẩu với giá rẻ, nông dân không có lãi, mà Nhà nước lại phải đầu tư lớn?".
Để hướng đến một nền nông nghiệp có năng suất và giá trị cao, TS. Hoàng Ngọc Phong cho rằng, cần đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, nghĩa là doanh nghiệp phải tham gia đầu tư vào nông nghiệp.
Theo ông Hoàng Ngọc Phong, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% tổng vốn đầu tư của họ. Điều này có thể xem là một thất bại của chính sách liên kết doanh nghiệp với nông nghiệp. Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt ở những vùng trồng lúa kém hiệu quả, "nhạy cảm" với BĐKH, xâm nhập mặn nhất định phải có cơ chế liên kết hợp tác hiệu quả giữa 4 nhà. Nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp sẽ rất khó thành công.
Chỉ ra vấn đề cấp bách nhất đối với ĐBSCL hiện nay là sạt lở và sụt lún, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, sụt lún có tác động nhanh hơn nhiều lần so với nước biển dâng. Để khắc phục vấn đề này, đối với các vùng ven biển cần áp dụng công nghệ lọc nước biển để cấp nước sinh hoạt, chuyển đổi canh tác sang hệ thống canh tác mặn, lợ bền vững, ít phụ thuộc nước ngọt. Đối với vùng nội địa, giảm canh tác thâm canh để giảm ô nhiễm, chuyển hướng sang nông nghiệp sạch.
Để khắc phục tình trạng sạt lở, ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, cần lập bản đồ cảnh báo độ rủi ro để chủ động di dời người dân tránh thiệt hại tài sản, tính mạng. Không nên tiêu tốn nguồn lực và những biện pháp công trình lãng phí và kém hiệu quả. Các công trình bờ kè chỉ nên thực hiện ở những nơi cần thiết bảo vệ trong ngắn hạn, vì bờ kè tạo cảm giác "an toàn giả", khi sụp đổ sẽ có thiệt hại rất lớn.
Quản lý tổng hợp tài nguyên nước không chỉ bảo đảm cho phát triển bền vững mà còn trở thành vấn đề sống còn của ĐBSCL. Theo GS.TSKH. Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cần chuyển đổi từ chiến lược "sống chung với lũ" sang "chủ động sống chung với lũ". Để thực hiện chiến lược này, cần xây dựng thêm hệ thống cống (bao gồm cống và âu thuyền).
Cống làm nhiệm vụ khống chế mực nước lũ trong đồng theo yêu cầu đối với những đỉnh lũ cực đoan. Âu thuyền phục vụ giao thông thủy. Mức nước lũ trong đồng được quản lý sẽ không phá hoại cơ sở hạ tầng, không cần xây dựng đê bảo vệ các thành phố, làng ấp, không cần chống lũ 2 vụ, không cần xây dựng hệ thống trạm bơm tiêu cho các đô thị.
Đưa ra quan điểm về "quy hoạch tích hợp", GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, cần một "thuyền trưởng" tài giỏi để điều hành hài hòa các vấn đề, không để xảy ra trường hợp mạnh ai nấy làm. Quy hoạch thủy lợi, giao thông, xây dựng đều hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu sản xuất, tính toán luôn đến yếu tố đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, cần tùy vào nhu cầu thị trường, vùng sinh thái thích nghi, thời điểm kinh tế-xã hội để quyết định lựa chọn cây, con trong sản xuất.