Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là bài học được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng. Nhìn lại chặng đường vừa qua, đặc biệt là gần 40 năm đổi mới, có thể thấy rõ kết quả của chủ trương này với nhiều thành tựu nổi bật.
Trong suốt 40 năm qua, với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm, đến nay GDP của Việt Nam đạt khoảng 430 tỉ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thu nhập bình quân đầu người tăng 58 lần, khoảng 4.300 USD.
Đi cùng với những con số ấn tượng về kinh tế phát triển, Việt Nam còn được Liên Hợp Quốc đánh giá là một trong những nước đi đầu hiện thực hoá các mục tiêu thiên niên kỷ.
Năm 2022, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,737 thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới. Năm 2023, Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam xếp thứ 65/137 quốc gia; Chỉ số hoà bình toàn cầu đứng thứ 41 trong số 163 nước.
Bà Ramla Al Khalidi - Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam nhận định: "Những gì Việt Nam đã làm thực sự đưa Việt Nam vào Quỹ đạo phát triển bền vững và toàn diện, bao trùm Chỉ số phát triển con người HDI của Việt Nam đã có mức tăng liên tục trong hơn 30 năm qua. Điều này chỉ có được từ một định hướng phát triển bền vững và còn bởi con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong quá trình phát triển".
Ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ: "Ấn tượng của tôi về các kết quả này thật tuyệt vời. Đơn cử như tỷ lệ đói nghèo của các bạn giảm từ mức 50% xuống dưới 1% và các tiến bộ trong an sinh xã hội cũng vô cùng ấn tượng. Tất cả kết quả đáng kinh ngạc đó là nhờ công cuộc đổi mới mà Việt Nam thực hiện"
Những con số trong thực tế và đánh giá của cộng đồng quốc tế là những minh chứng sống động và thuyết phục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
GS.TSKH. Phan Xuân Sơn - Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: "Tổng Bí thư trong bài viết nhân kỉ niệm 94 năm thành lập Đảng cũng nói đây là quan điểm rất đúng và rất mới. Mục tiêu của chúng ta không chỉ là lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Mục tiêu của chúng ta là dân giàu nước mạnh, mục tiêu là con người, con người ở trung tâm mục tiêu, trung tâm quá trình phát triển, cho nên phải giải quyết hạnh phúc con người. Chỉ số HDI cũng thuộc loại cao so với trình độ kinh tế. Điều đó góp phần ổn định chính trị xã hội, phát triển kinh tế xã hội của đất nước".
PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho rằng: "Thông điệp trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: mọi quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Đó chính là bản chất tốt đẹp của chế độ chính trị trên đất nước chúng ta".
Nhìn lại lịch sử 94 năm thành lập Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh, mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Đây cũng chính là quan điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh". Và đó cũng chính là một trong những bài học quý giá để toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm xây dựng Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!