Các cột điện gió trên biển thuộc Nhà máy điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Dân trí
Tháng 4/2012, nhà máy điện gió đầu tiên Tuy Phong 1 ở Bình Thuận đã chính thức vận hành. Hiện cả nước có 37 dự án điện gió đang được triển khai với sản lượng điện dự kiến hơn 3.800 MW. Trong sơ đồ điện 7, đến năm 2020 nguồn điện gió sẽ chiếm tỷ trọng từ 0,7% trong tổng nguồn điện quốc gia. Theo nhiều chủ đầu tư, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu này nếu như giải quyết được vướng mắc: Giá bán điện phải ít nhất bù đắp được chi phí sản xuất.
Đại diện Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đơn vị cung cấp phần lớn vốn cho dự án cũng khẳng định, đây là bất lợi lớn nhất cho các dự án điện gió. Tuy nhiên, do nằm trong chương trình phát triển năng lượng quốc gia nên dù còn vướng mắc về giá bán, ngân hàng vẫn sẽ đáp ứng vốn nhằm hoàn thành dự án với tổng số 62 turbine với tổng công suất trên 99MW hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm 2013.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc sở giao dịch 2, Ngân hàng Phát triển Việt Nam: “Chúng tôi sẽ tài trợ 1 tỷ USD cho dự án và hiện đã giải ngân được hơn 600 tỷ đồng”.
Cũng theo đại diện Ngân hàng Phát triển Việt Nam, ngoài dự án điện gió Bạc Liêu, dự kiến khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ được hỗ trợ thêm 500 triệu USD để xây dựng 300 cột điện gió vào năm 2015. Đ với nhiều địa phương, việc phát triển điện không những phát huy lợi thế về tự nhiên, mà còn góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của khu vực.
Ông Nguyễn Văn Út, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Tỷ trọng công nghiệp ở Bạc Liêu giờ rất thấp, nếu dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ công nghiệp của tỉnh gấp nhiều lần và tạo việc làm cho người dân”.
Hiện tỉnh Bạc Liêu cũng đang xây dựng một mô hình du lịch tham quan nơi sản xuất điện gió để tăng nguồn thu cho địa phương. Nhằm đẩy mạnh phát triển điện gió, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 37 ban hành cơ chế ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí, hạ tầng đất đai, hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới.
Hiện tại, ngoài các doanh nghiệp trong nước đã có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, mới đây trong chuyến tìm hiểu đầu tư, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc cũng mong muốn đầu tư, áp dụng công nghệ phát triển điện gió của Hàn Quốc tại Việt Nam.