Phát triển kinh tế - xã hội nhằm thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 12/06/2020 20:14 GMT+7

Trong ảnh: Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

VTV.vn - Chiều 12/6, Quốc hội đã thảo luận về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Các đại biểu cùng chung đánh giá khi cho rằng, chương trình sẽ tiếp tục đem lại thay đổi tích cực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi bởi các dự án thành phần được xây dựng sẽ giúp người dân quyết tâm vươn lên thoát nghèo thay vì trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước.

"Tôi đánh giá cao đề xuất này của Chính phủ, đây là chương trình không chỉ phát triển kinh tế xã hội mà còn tích hợp hơn 100 chính sách đã và đang được ban hành triển khai thực hiện. Vì vậy chương trình không chí có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc" - ông Tô Văn Tám - đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho hay.

"Tôi cho rằng đây là một chương trình có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của cả nước, tập trung nguồn lực cho vùng nghèo nhất, khó khăn nhất, hướng tới thu hẹp khoảng cách phát triển về mức sống, về thu nhập của vùng này so với bình quân của cả nước" - ông Nguyễn Hữu Toàn - đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho biết.

Đồng tình với sự cần thiết của chương trình, song không ít đại biểu băn khoăn về vấn đề nguồn lực cho chương trình giảm nhưng mục tiêu không giảm. Vì thế, chương trình này cần dồn lực cho một số mục tiêu cấp thiết thay vì thực hiện đồng thời cùng lúc tất cả các dự án thành phần.

Phát triển kinh tế - xã hội nhằm thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập  - Ảnh 1.

Trong ảnh: Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

"So với kỳ họp thứ 8, tổng mức giảm đã giảm chỉ còn 41% trong khi đó mục tiêu không thay đổi. Do đó tôi rất băn khoăn, vì trong những năm qua không ít chính sách dân tộc dù rất hay rất nhân văn nhưng sau nhiều năm đồng bào vẫn mỏi mòn chờ đợi vì chính sách bị treo do thiếu nguồn lực thực hiện" - ông Thạch Phước Bình - đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho hay.

"Thay vì cùng lúc thực hiện 10 dự án như trong dự thảo chương trình, chúng ta nên xác định giai đoan đầu chỉ nên thực hiện tập trung một số dự án, ví dụ như dự án giải quyết đất ở, đất sinh hoạt, dự án ổn định sắp xếp lại dân cư, nước sinh hoạt" - bà Hoàng Thị Thu Trang - đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nói.

Bên cạnh đó, có đại biểu đề nghị, cần rà soát để các dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia mới không trùng với hai chương trình mục tiêu quốc gia khác đã và đang được triển khai.

Giải trình thêm tại phiên thảo luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định sẽ nghiên cứu thận trọng, chắc chắn vì đây là cơ hội lớn để giúp đồng bào vùng dân tộc, miền núi thay đổi cuộc sống.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, việc Chính phủ trình Quốc hội các chính sách cụ thể để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia là tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và Nghị quyết số 88 của Quốc hội. Với tinh thần này, các đại biểu đều nhất trí vì thế Quốc hội phải có Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước