Trong 2 ngày 30/10 và 31/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Tiếp tục chương trình của kỳ họp thứ 8, sáng nay (1/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phiên thảo luận của Quốc hội về Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được Đài THVN truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h00 hôm nay (1/11).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Đề án ngày 21/10
Theo trình bày về đề án của Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến vào ngày 21/10, trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên rõ rệt, nhưng hiện nay vẫn là nơi khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Từ tình hình trên, rất cần thiết phải xây dựng "Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn" nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước: các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.
Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hầu hết các bộ, ngành, địa phương và đồng bào các DTTS đồng tình, ủng hộ. Đề án sẽ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ một số yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào các dân tộc. Góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; thu hẹp dần khoảng cách với vùng phát triển; xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dự thảo Đề án gồm 6 phần, với các nội dung: sự cần thiết và căn cứ xây dựng Đề án; thực trạng KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS& MN); quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS& MN; đánh giá tác động của Đề án; tổ chức thực hiện; kết luận và kiến nghị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!