Phát triển logistics vùng Đông Nam bộ: Lấy tăng trưởng hàng hóa làm mục tiêu

Đào Huyền - Vũ Hoàn-Thứ sáu, ngày 08/09/2023 19:38 GMT+7

VTV.vn - Đông Nam bộ là khu vực đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển với khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước.

Phát triển logistics vùng Đông Nam bộ: Lấy tăng trưởng hàng hóa làm mục tiêu - Ảnh 1.

Cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Diễn đàn Liên kết phát triển logistics – Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ được tổ chức chiều 8/9 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ghi nhận nhiều ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội và nhà quản lý nhằm tìm ra các giải pháp gỡ điểm nghẽn cho logistics tại khu vực kinh tế năng động nhất cả nước.

Phát triển logistics vùng Đông Nam bộ: Lấy tăng trưởng hàng hóa làm mục tiêu - Ảnh 2.

Gần 300 doanh nghiệp tham gia diễn đàn liên kết phát triển logistics vùng Đông Nam bộ.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI đánh giá, Đông Nam bộ là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển với khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

Hiện tại vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Đây là một tỷ trọng rất cao, trong đó tập trung chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh với hơn 11.000 doanh nghiệp, Bình Dương gần 1.700 doanh nghiệp và Đồng Nai hơn 1.200 doanh nghiệp. Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái, Cái Mép-Thị Vải.

Với những lợi thế đặc thù để phát triển kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực logistics, tuy nhiên, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra một hạn chế của vùng Đông Nam bộ là "Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan toả của vùng".

Chủ tịch VCCI cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành logistics đã có sự đầu tư khá tốt về hạ tầng và công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể tự kết nối hạ tầng giữa các tỉnh, thành trong vùng, giữa khu sản xuất chế biến, khu công nghiệp với cảng, sân bay và giữa vùng với các thị trường. Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào chính cơ sở của mình như kho, bãi, cảng, v.v. nhưng về kết nối thì doanh nghiệp không làm được.

Chia sẻ về những giải pháp gỡ điểm nghẽn, tạo liên kết logistics trong vùng Đông Nam bộ, ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đặt vấn đề xem xét 4 thành phần chính cấu thành chuỗi logistics khu vực đó là: phần cứng, phần mềm, công nghệ và con người vận hành.

Ông Thành phân tích, đích cuối cùng của kinh doanh là mục tiêu tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, nộp ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Do đó, chúng ta phải đẩy nhanh nguồn hàng thông qua việc liên kết vùng, nguồn hàng tại chỗ và nguồn hàng trung chuyển. "Tôi cho rằng cần ưu tiên tuyệt đối cho nguồn hàng tại chỗ, trước khi đẩy mạnh nguồn hàng trung chuyển".. 

Dẫn đánh giá tại Báo cáo Logistics Việt Nam 2022 của Bộ Công Thương, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ nhìn nhận hệ thống dịch vụ kho bãi, trung tâm logistics sau cảng chưa theo kịp xu thế; thiếu hụt các dịch vụ logistics như mạng lưới dịch vụ kho hàng hoá tổng hợp, ICD, kho lạnh, dịch vụ về container, đóng gói hàng theo yêu cầu… "Có thể nói đây cũng là một trong những điểm nghẽn mà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất mong các nhà đầu tư, các công ty kinh doanh dịch vụ logistics quan tâm để khắc phục hạn chế này nhằm khơi thông, hiến kế cho ngành dịch vụ được ví như mạch máu của các ngành công nghiệp tại Bà Rịa – Vũng Tàu và khu vực".

Phát triển logistics vùng Đông Nam bộ: Lấy tăng trưởng hàng hóa làm mục tiêu - Ảnh 3.

Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề ra nhiều chiến lược phát triển lĩnh vực logistisc tại địa phương và trong toàn vùng.

Ông Thọ cho biết, trong thời gian tới, ngành dịch vụ vận tải, logistics tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ cùng với việc hình thành các tuyến giao thông quan trọng nối liền khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ và lợi thế về khoảng cách của tỉnh với sân bay quốc tế Long Thành khi BRVT chỉ cách sân bay khoảng 30km.

"Chúng tôi đã định hướng phát triển khu vực dọc sông Thị Vải – Cái Mép đến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu – đường vành đai 4 thành vùng công nghiệp – dịch vụ - đô thị cảng biển, tập trung các trung tâm logistics, khu thương mại tự do, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải kho bãi gắn với hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành".

Ngoài việc tập trung các giải pháp liên kết hạ tầng giao thông các tỉnh, trong vùng, kiến nghị hoàn thiện hệ thống chính sách, thủ tục hải quan, các doanh nghiệp và chuyên gia cũng quan tâm đến giải pháp xanh hóa hệ thống logistics của Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung. Theo ông Trần Thanh Hải, trong bối cảnh lượng hàng hóa qua các cảng khu vực đang sụt giảm mạnh, đặc biệt qua cảng Cái Mép - Thị Vải giảm 30% trong năm 2022, việc xanh hóa và số hóa chuỗi logistics của vùng sẽ giúp bắt kịp xu hướng thế giới và thu hút nhiều nguồn hàng qua các cảng trong vùng.

Với các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ, ông Trần Thanh Hải cũng nhấn mạnh việc các địa phương phải định vị vai trò logistics ở đâu  trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương để có chiến lược phù hợp, phát huy thế mạnh.

Bà Rịa - Vũng Tàu muốn hình thành khu thương mại tư do, thúc đẩy logistics

Ý tưởng về hình thành một khu thương mại tự do trong vùng trọng điểm phát triển logistics được các chuyên gia trao đổi nhiều khi tìm giải pháp liên kết Logistics cho vùng Đông Nam bộ.

Ông Thomas Sim - Phó Chủ tịch cấp cao Liên đoàn Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA): "Khu thương mại tự do (Ftz) là khái niệm thú vị mang đến những giá trị gia tăng. Tôi vui mừng khi nhận thấy và khuyến khích Bà Rịa - Vũng tàu xây dựng kỹ năng quan trọng cho người lao động, đây là yếu tố tạo sự thành công của Ftz và cũng là điểm kết nối với cụm logistics thế giới".

"Khu thương mại tự do có giá trị khi nó nằm gần các khu vực logistics, hiện nay khu thương mại tự do nằm gần các khu vực cảng biển hàng hóa ra vào tấp nập chưa có. Khi quy hoạch logistics, các địa phương chú ý quy hoạch khu thương mại tự do sẽ là động lực thu hút đầu tư và phát triển logistics cho vùng", ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: "Khu thương mại tự do là một cơ chế mới. Các nước đã có rồi, hiện tại Hải Phòng cũng đã làm phân khu, đây là điều kiện thuận lợi để Bà Rịa - Vũng Tàu học tập. Tỉnh cũng cử các đoàn đi nghiên cứu học tập ở các nước để về mạnh dạn đề xuất Chính phủ các điều kiện để hình thành khu thương mại tự do".


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước