Phát triển lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải

Thúy Lan-Thứ năm, ngày 17/11/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Phát triển lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải góp phần giúp Việt Nam tiến dần tới mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

Sản xuất lúa gạo hiện chiếm 48% lượng phát thải khí nhà kính và hơn 75% lượng khí thải metan của toàn ngành nông nghiệp, tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Đã đến lúc ngành lúa gạo Việt Nam chuyển đổi sang con đường bền vững, giảm phát thải.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức hội nghị quy tụ hầu hết các chuyên gia đầu ngành lúa gạo tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế để lấy ý kiến góp ý cho đề án xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Điểm đáng chú ý, hầu hết các diễn giả đều tán thành định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phát triển lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải, điều này vừa đảm bảo thu nhập người trồng lúa, đảm bảo chống biến đổi khí hậu, góp phần giúp Việt Nam tiến dần tới mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

Phát triển lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải - Ảnh 1.

Ngân hàng Thế giới nhận định trọng tâm trong giai đoạn tới để thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao cần gắn với mục tiêu giảm phát thải khí carbon. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Sản xuất phải theo một quy trình thân thiện môi trường, giảm thiểu sử dụng tài nguyên và giảm phát thải nhà kính. Giảm phát thải nhà kính vừa đáp ứng yêu cầu của nhà nước mình về chống biến đổi khí hậu, đồng thời nó cũng lại đem lại tiền cho nông dân", PGS.TS. Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá.

"Chúng ta vẫn phải làm lúa chất lượng cao, phải tiết kiệm... nhưng phải đặt trọng tâm trong 5 năm tới, ngoài buôn bán lúa gạo phải mang lại nguồn lợi nhuận đó là buôn bán carbon cũng góp phần đóng góp chung cho Chính phủ", ông Cao Thanh Bình, chuyên gia nông nghiệp cao cấp Ngân hàng Thế giới, nhận định.

Giảm phát thải trong canh tác lúa

Như chuyên gia của Ngân hàng Thế giới chia sẻ, Việt Nam nên đặt mục tiêu ngoài việc bán gạo, cần bán thêm cả tín chỉ carbon bằng việc xây dựng vùng chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải.

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới, 5 nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính bao gồm: thâm canh nông nghiệp không bền vững và chặt phá rừng; tỷ lệ sử dụng bón phân cao; mức độ sử dụng nước cao cho tưới tiêu; quản lý không đúng cách phụ phẩm lúa như rơm rạ và trấu; sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong nông nghiệp.

Từ những nguyên nhân trên, giải pháp cắt giảm lượng khí thải trong ngành lúa gạo phù hợp với Việt Nam là cải thiện hệ thống tưới tiêu, quản lý nước nông nghiệp và quản lý đầu vào, áp dụng 1 phải 5 giảm là: phải sử dụng hạt giống được chứng nhận; giảm lượng hạt giống, giảm phân bón hóa học, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước được sử dụng và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Nông dân chú trọng canh tác hữu cơ

Trên thực tế, tại ĐBSCL đã manh nha nhiều mô hình canh tác lúa hữu cơ, giảm phân bón hóa học, giảm thuốc bảo vệ thực vật phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt, được ghi nhận giảm phát thải khí nhà kính.

Làm lúa nhiều năm, ông Võ cũng cảm thấy bất ngờ khi áp dụng qui trình không phân, thuốc hóa học. Toàn bộ được thay thế bằng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học. Nhện, bọ rùa, chuồn chuồn - các loại thiên địch hữu ích đã trở lại trên cánh đồng.

"Giảm bớt công phun xịt. Lúc trước phun 2 - 3 cữ, giờ xịt 2 cữ. Thấy khỏe lắm, ít xịt", ông Phan Văn Võ, HTX Nông nghiệp Phú Thọ, Đồng Tháp, chia sẻ.

Cánh đồng 1 hecta canh tác giống ST24, sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ theo đúng quy trình kỹ thuật được doanh nghiệp chuyển giao. Suốt mùa vụ, nông dân không phun thuốc trừ cỏ, trừ đạo ôn hay rầy. Còn đối với bọ trĩ, thuốc được thay bằng thảo mộc.

"Nó cũng dễ, không có gì khó, nhưng nhiều nông dân ngại, không biết có năng suất không. Tuy nhiên làm tốt sẽ hạn chế sâu bệnh, lá đứng", anh Nguyễn Cao Đồi, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng, cho biết.

"Nó có 2 mục tiêu, một là làm cho nâng sản lượng tăng lên, giá trị kinh tế tốt hơn; thứ hai làm cho lượng phát thải giảm lại thì phải là khoa học công nghệ", ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế xanh, cho hay.

Theo tính toán sơ bộ, sử dụng phân hữu cơ và thuốc thảo dược sẽ giúp nông dân giảm chi phí khoảng 2,2 triệu đồng/hecta nhờ giảm được 4 lần phun thuốc. Năng suất ước đạt từ bằng đến cao hơn so với các cánh đồng bên ngoài. Toàn bộ lúa sau khi thu hoạch sẽ được doanh nghiệp bao tiêu. Đó cũng là lý do nhiều địa phương mạnh dạn kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn, trong đó chú trọng vấn đề chuyển giao kỹ thuật, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.

Ngân hàng Thế giới đồng hành Việt Nam phát triển lúa giảm phát thải

Những mô hình trên tuy hiệu quả, nhưng chưa nhiều, một nguyên nhân bởi chi phí thực hiện ban đầu không hề nhỏ. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết Việt Nam sẽ cần đầu tư 515 USD/hecta để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải trung bình. Do đó để thực hiện trên diện rộng 1 triệu ha tại ĐBSCL rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Trong 7 năm qua tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã tài trợ cho dự án canh tác lúa phát thải thấp trên khoảng 180.000 ha. Ước tính phần diện tích này đã giảm được 1,5 triệu tấn carbon, đồng thời giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho người dân. World Bank cũng nhận định trọng tâm trong giai đoạn tới để thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao cần gắn với mục tiêu giảm phát thải khí carbon.

Phát triển lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải - Ảnh 2.

Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đánh giá ngành lúa gạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội gia tăng thương hiệu, tiến tới gia nhập thị trường carbon toàn cầu. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, theo chuyên gia Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL đã thu hút nhiều sự quan tâm từ phía World Bank. Nếu đề án được đưa vào thực tiễn và trở thành chương trình cụ thể của Chính phủ, World Bank ước tính vùng chuyên canh có thể giảm 10 triệu tấn carbon, bán được khoảng 100 triệu USD. Đây là một con số không hề nhỏ đối với ngành lúa gạo, có khả năng thay đổi diện mạo toàn ngành trong tương lai.

"Chúng tôi và các bạn cũng sẽ ngồi bàn lại về tỷ lệ phần trăm quy mô chúng tôi cần hỗ trợ Việt Nam là bao nhiêu? Khối lượng mua cũng như đơn giá các tín chỉ phát thải carbon là bao nhiêu? Điều này sẽ khuyến khích các bên tham gia dự án, đẩy nhanh việc cải cách chính sách, hỗ trợ từ người nông dân, hợp tác xã trồng lúa đến doanh nghiệp. Với gói hỗ trợ của chúng tôi lên tới 100 triệu USD, chúng tôi mong rằng chương trình này sẽ được thực hiện sớm cũng như đạt kết quả cao", bà Zhuo Cheng, chuyên gia cao cấp Tài chính Khí hậu, Ngân hàng Thế giới, nói.

Ngoài ra, mô hình lúa phát thải thấp còn tiết kiệm từ 20 - 30% vật tư đầu vào, trong khi năng suất và lợi nhuận cũng tăng.

Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá ngành lúa gạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội gia tăng thương hiệu, tiến tới gia nhập thị trường carbon toàn cầu.

Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh

VTV.vn - Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến xây dựng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải khí nhà kính.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước